Xây dựng chuẩn mực đạo đức về hành vi, ứng xử trên mạng xã hội
Ngày 17/6, Bộ TT&TT đã ban hành bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, áp dụng cho 3 nhóm đối tượng: cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan nhà nước sử dụng mạng xã hội; tổ chức, cá nhân khác sử dụng mạng xã hội; nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội tại Việt Nam.
Bộ quy tắc này nhằm tạo điều kiện phát triển lành mạnh mạng xã hội tại Việt Nam, đảm bảo quyền tự do cá nhân, quyền tự do kinh doanh, không phân biệt đối xử nhà cung cấp dịch vụ trong và ngoài nước, phù hợp với chuẩn mực, thông lệ và các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia. Hướng tới xây dựng chuẩn mực đạo đức về hành vi, ứng xử trên mạng xã hội, giáo dục ý thức, tạo thói quen tích cực trong các hành vi ứng xử của người dùng trên mạng xã hội.
Cần xây dựng chuẩn mực đạo đức về hành vi, ứng xử trên mạng xã hội, giáo dục ý thức, tạo thói quen tích cực trong các hành vi ứng xử của người dùng trên mạng xã hội. (Ảnh: Internet)
Bên cạnh việc phải tuân thủ 4 quy tắc ứng xử chung: Tôn trọng, tuân thủ pháp luật; Lành mạnh; An toàn, bảo mật thông tin và Trách nhiệm, mỗi nhóm đối tượng tham gia, sử dụng mạng xã hội còn có một số quy tắc khác cần áp dụng.
Với tổ chức, cá nhân, ngoài việc tìm hiểu và tuân thủ các điều khoản hướng dẫn sử dụng của nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội trước khi đăng ký, Bộ quy tắc cũng khuyến nghị nên sử dụng họ tên thật cá nhân, tên hiệu thật của tổ chức, cơ quan và đăng ký với nhà cung cấp dịch vụ để xác thực tên hiệu, địa chỉ trang mạng, đầu mối liên hệ khi tham gia mạng xã hội.
Thực hiện biện pháp tự quản lý, bảo mật tài khoản mạng xã hội và nhanh chóng thông báo tới các cơ quan chức năng, nhà cung cấp dịch vụ khi tài khoản tổ chức, cá nhân bị mất quyền kiểm soát, bị giả mạo, lợi dụng và sử dụng vào mục đích không lành mạnh, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Các tổ chức, cá nhân phải chia sẻ những thông tin có nguồn chính thống, đáng tin cậy; có hành vi, ứng xử phù hợp với những giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống của dân tộc Việt Nam, không sử dụng từ ngữ gây thù hận, kích động bạo lực, phân biệt vùng miền, giới tính, tôn giáo. Không đăng tải những nội dung vi phạm pháp luật, các thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khác; sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục; tung tin giả, tin sai sự thật; quảng cáo, kinh doanh dịch vụ trái phép… gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Khuyến khích sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền, quảng bá về đất nước - con người, văn hóa tốt đẹp của Việt Nam, chia sẻ thông tin tích cực, những tấm gương người tốt, việc tốt. Vận động người thân, bạn bè, những người xung quanh… tham gia giáo dục, bảo vệ trẻ em sử dụng mạng xã hội một cách an toàn.
Nhà cung cấp dịch vụ không được thu thập thông tin của người dùng
Ngoài việc thực hiện các nội dung quy định quy tắc ứng xử cho tổ chức, cá nhân thì các cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan nhà nước còn phải thực hiện nội quy của tổ chức về việc cung cấp thông tin lên mạng xã hội.
Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan nhà nước có trách nhiệm thông báo tới cơ quan chủ quản để kịp thời có hướng xử lý, giải quyết khi có những ý kiến, thông tin trái chiều, thông tin vi phạm pháp luật có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, lĩnh vực quản lý.
Bộ quy tắc cũng hướng dẫn cụ thể về ứng xử của cơ quan nhà nước và các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội. Theo đó, các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội được yêu cầu phải tôn trọng quyền được bảo vệ thông tin của người sử dụng, không thu thập thông tin cá nhân và cung cấp thông tin của người sử dụng dịch vụ cho bên thứ ba khi chưa được phép của chủ thể thông tin.
Các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội phải hướng dẫn người sử dụng mạng xã hội, hỗ trợ và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của “người yếu thế” trong xã hội sử dụng mạng xã hội an toàn, lành mạnh nhằm tránh bị khai thác, lạm dụng, bạo lực về tinh thần trên mạng xã hội. Ngoài ra, các nhà cung cấp cần có biện pháp bảo đảm sự an toàn, phát triển lành mạnh của trẻ em, trẻ vị thành niên trên mạng xã hội theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Người sử dụng và nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội được khuyến khích thực hiện đầy đủ các nội dung Bộ quy tắc và tuyên truyền, phổ biến rộng rãi tới các tổ chức, cá nhân khác.
Trí Tâm
Link nội dung: https://doanhnghiepvaphapluat.vn/nha-cung-cap-dich-vu-mang-xa-hoi-khong-duoc-thu-thap-thong-tin-cua-nguoi-dung-a11722.html