Thuận lợi trong thanh toán không tiền mặt
Để góp phần hạn chế lượng tiền mặt trong lưu thông hàng hóa, giảm thiểu chi phí xã hội, mở rộng không gian, rút ngắn thời gian cho quá trình bán và mua hàng hóa, dịch vụ trong nền kinh tế. Đồng thời, phát triển các dịch vụ chuyên nghiệp về thu chi, thẻ ngân hàng, thanh toán trực tuyến, thanh toán điện tử mà không làm thay đổi giá trị tiền mặt quy đổi thì việc thúc đẩy hình thức thanh toán không tiền mặt là hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cũng ủng hộ quy định buộc các doanh nghiệp phải thanh toán không dùng tiền mặt để tăng tính minh bạch của dòng tiền. Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước trong những năm gần đây cũng đang đẩy mạnh chi tiêu không tiền mặt.
Trước những đề xuất này, hầu hết doanh nghiệp đều đồng tình và ủng hộ việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt là hết sức cần thiết. Họ luôn sẵn sàng thực hiện các giao dịch trên nền tảng số do ngân hàng cung cấp.
Nếu như trước kia, ngưỡng 20 triệu đồng trở lên các tổ chức phải thanh toán qua ngân hàng thì hiện nay Chính phủ đang tiến hành triển khai áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt đối với tất cả các giao dịch và không giới hạn tổng giá trị thanh toán.
Ông Nguyễn Văn Được, tổng giám đốc Công ty TNHH kế toán và tư vấn thuế Trọng Tín cho biết, cần phải hạ thấp ngưỡng này, có thể về mức 5 triệu đồng để hạn chế tối đa tình trạng lách luật bằng cách chia nhỏ trong việc thanh toán.
Đồng thời, nhằm thúc đẩy việc thanh toán không tiền mặt, các ngân hàng thương mại cũng đang áp dụng triển khai miễn phí giao dịch trực tuyến. Đây chính là một trong những thuận lợi để giảm việc thanh toán bằng tiền mặt của doanh nghiệp. Cùng với đó, các ngân hàng cần thiết kế lại sao kê để có thể thay thế sổ phụ của ngân hàng.
Hạ tầng thanh toán chưa tối ưu
Bên cạnh những thuận lợi về việc thanh toán không tiền mặt thì vẫn còn một số những hạn chế phải kể đến, đặc biệt là tình trạng nghẽn mạng vẫn còn là điểm lớn cần khắc phục để thúc đẩy việc thanh toán qua ngân hàng đối với doanh nghiệp. Cùng với đó, nhiều tỉnh thành điều kiện hạ tầng công nghệ thanh toán còn chưa đồng bộ do đó sẽ gặp khó khăn trong quá trình thanh toán.
Chị Trần Thị Lệ, chủ một doanh nghiệp sản xuất nhỏ tại huyện Đông Anh vẫn còn nhiều vướng mắc trước quy định thanh toán này, vì là doanh nghiệp có quy mô nhỏ nên thường xuyên mua nguyên liệu trực tiếp của bà con như su hào, bắp cải, cà rốt, khoai lang,... đến khi muốn thanh toán bằng hình thức chuyển khoản cho người cung cấp cũng gặp khó khăn vì vẫn còn người chưa có tài khoản ngân hàng. Chính vì thế, nếu khách hàng là người nông dân không thanh toán qua ngân hàng thì doanh nghiệp sẽ khó xử lý các giao dịch bởi theo quy định nhận tiền mặt là vi phạm.
Ngoài ra, tình trạng nghẽn mạng cũng thường xảy ra tại các ngân hàng. Nhiều khách hàng đã phản ánh không thể thực hiện được giao dịch chuyển tiền do đường chuyền chậm, mất kết nối hay tình trạng bảo trì thường xuyên diễn ra khiến việc chuyển tiền gặp không ít trở ngại.
Do đó, việc áp dụng thanh toán không tiền mặt cần được triển khai trước ở một số địa bàn có điều kiện hạ tầng công nghệ thanh toán phát triển, đồng thời áp dụng cho những dịch vụ công hay hàng hóa mà doanh nghiệp nhà nước, vốn nhà nước cung cấp như điện, nước, học phí, viện phí,...
Ông Nguyễn Hải Long, Phó Tổng giám đốc Agribank cho biết gần đây lượng khách hàng thanh toán không tiền mặt qua kênh điện tử của Agribank đang tăng trưởng mạnh, cho nên để đảm bảo các giao dịch chuyển khoản, thanh toán và mua bán trực tuyến diễn ra một cách thuận lợi thì phải duy trì được hạ tầng công nghệ tốt.
Huyền Cao
Link nội dung: https://doanhnghiepvaphapluat.vn/kien-nghi-day-manh-thanh-toan-khong-tien-mat-doi-voi-doanh-nghiep-a11700.html