Một mình vắc xin chưa đủ, cần nhiều 'vũ khí uy lực' khác để chấm dứt đại dịch Covid-19

Ngay cả khi phần lớn dân số được tiêm chủng, việc loại bỏ các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 có thể khiến virus lây lan nhiều hơn, theo các nhà nghiên cứu.

tiem1-1622603446.jpeg

Một mình vắc xin có thể không đủ để chấm dứt đại dịch Covid-19, các nhà nghiên cứu cho biết hôm 1/6.

Các nhà nghiên cứu đã viết trên tạp chí y tế JAMA Network Open rằng: Ngay cả khi phần lớn dân số được tiêm chủng, việc loại bỏ các biện pháp phòng chống dịch có thể khiến virus lây lan nhiều hơn.

Hiệu quả của các biện pháp phòng chống dịch Covid-19

Mehul Patel, phó giáo sư y học cấp cứu tại Đại học Bắc Carolina (Mỹ), và các đồng nghiệp đã sử dụng một mô hình toán học để mô phỏng virus corona lây lan trong khoảng 10 triệu người ở Bắc Carolina.

Họ phát hiện ra rằng số ca mắc Covid-19, nhập viện và tử vong sẽ tiếp tục gia tăng nếu các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh như cách ly, đóng cửa trường học, giữ khoảng cách và đeo khẩu trang bị dỡ bỏ trong khi vắc xin vẫn được triển khai.

tiem2-1622603446.jpg
Vắc xin Covid-19 của AstraZeneca

"Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rằng, trong dân số 10,5 triệu người, khoảng 1,8 triệu ca mắc và 8.000 ca tử vong có thể được ngăn ngừa trong 11 tháng bằng vắc xin Covid-19 hiệu quả hơn, tỷ lệ tiêm chủng cao hơn và duy trì các biện pháp can thiệp phi dược phẩm, chẳng hạn như duy trì khoảng cách và đeo khẩu trang", các nhà nghiên cứu viết.

Cụ thể, nghiên cứu có kết quả như sau:

- Nếu vắc xin có hiệu quả 50% được triển khai cho 25% người lớn, thì mô hình cho thấy trung bình khu vực này sẽ ghi nhận 2,2 triệu ca mắc mới khi không có các biện pháp phòng chống dịch; ghi nhận dưới 800.000 ca mắc mới khi có các biện pháp phòng chống dịch.

- Nếu vắc xin có hiệu quả 90% được tiêm cho 75% người lớn, thì mô hình cho thấy trung bình sẽ có 527.409 ca mắc mới nếu không có các biện pháp phòng chống dịch; 450.575 ca mắc mới khi các biện pháp này được duy trì.

Họ tính toán rằng tiêm vắc xin hiệu quả thấp hơn cho nhiều người hơn là kịch bản tốt hơn so với tiêm vắc xin hiệu quả cao hơn cho ít người hơn.

Patel nói với CNN: "Tăng mức độ bao phủ lên một lượng đáng kể, bất kể hiệu quả của vắc xin, thực sự là có thể giúp kiểm soát dịch bệnh. Nếu vắc xin chỉ được phân phối cho một số ít dân số, chúng tôi thậm chí có thể thấy sự gia tăng dịch bệnh ở mức độ trước khi vắc xin được sử dụng".

tiem3-1622603446.jpg
Đeo khẩu trang vẫn sẽ là cách phòng ngừa dịch bệnh hữu hiệu

Khi nào nên gỡ bỏ các biện pháp phòng chống dịch Covid-19?

Tháng trước, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ nói rằng trong hầu hết các trường hợp, những người đã được tiêm phòng có thể không đeo khẩu trang khi ra ngoài và trong nhà. Tuyên bố này vấp phải nhiều ý kiến trái chiều, khi một số chuyên gia y tế công cộng cho rằng Mỹ chưa tiêm đủ vắc xin cho người dân để có thể nới lỏng các biện pháp phòng ngừa dịch.

Tiến sĩ Alexander Doroshenko, phó giáo sư tại Khoa Y học, Đại học Alberta ở Canada, cho biết rằng trong tương lai gần, các biện pháp phòng chống dịch nên được thực hiện song song với tiêm chủng vắc xin Covid-19 để chấm dứt đại dịch.

Nhóm nghiên cứu của Patel không tìm cách xác định chính xác thời điểm an toàn để dỡ bỏ các biện pháp phòng chống dịch ở Mỹ. Tuy nhiên, Patel lưu ý rằng khi tỷ lệ bao phủ vắc xin đạt 75% trong các mô phỏng, nhóm của ông đã thấy mức độ lây nhiễm giảm.

Theo dữ liệu mới nhất của CDC, chỉ hơn một nửa dân số trưởng thành ở Mỹ và khoảng 40% tổng dân số đã được tiêm chủng đầy đủ.

Khi tỷ lệ tiêm chủng Covid-19 tăng lên, nhiều bang ở Mỹ đang nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch. California có kế hoạch gỡ bỏ tất cả các quy định giới hạn số người tham gia sự kiện và quy định về giữ khoảng cách khi tiểu bang này mở cửa hoàn toàn trở lại vào ngày 15 tháng 6.

Các tiểu bang khác ở Mỹ cũng đang chuẩn bị dừng các quy định phòng chống dịch theo tỷ lệ bao phủ của vắc xin. Ví dụ như Oregon, nơi đã công bố kế hoạch chấm dứt các quy định phòng chống dịch khi 70% cư dân đủ điều kiện được tiêm ít nhất một liều vắc xin Covid-19.

Patel và các đồng nghiệp cho biết nghiên cứu của họ cho thấy cần có một nỗ lực phối hợp nhằm tối đa độ bao phủ vắc xin và thực hành các biện pháp phòng chống dịch "để giảm gánh nặng Covid-19 xuống mức mà chúng ta có thể nối lại nhiều hoạt động kinh tế, giáo dục và xã hội một cách an toàn".

Trà My

Link nội dung: https://doanhnghiepvaphapluat.vn/mot-minh-vac-xin-chua-du-can-nhieu-vu-khi-uy-luc-khac-de-cham-dut-dai-dich-covid-19-a11623.html