Có ngày ghi nhận tới 160 ca mắc Covid-19, Bộ Y tế nói gì về giãn cách xã hội?

Bộ trưởng Bộ Y tế nhận định, căn cứ vào tình hình thực tiễn và phân tích về dịch bệnh, địa phương sẽ quyết định giãn cách theo Chỉ thị 15 hay 16 trên từng địa bàn. Tuy nhiên, nếu giãn cách xã hội cả một tỉnh thì phải có báo cáo Chính phủ.

GS.TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế ngày 17/5 nhận định, tình hình dịch tại hầu hết các địa phương đã được kiểm soát. Tuy nhiên, Bắc Giang và Bắc Ninh hiện là 2 tỉnh phải "tiếp tục nỗ lực" khống chế dịch.

Tại Bắc Giang, Covid-19 xảy ra trong khu công nghiệp, nhà máy có mật độ công nhân làm việc rất cao, khoảng cách giữa công nhân với công nhân rất hạn hẹp. Do đó, khi dịch bệnh bùng phát, vô tình là một chùm lây nhiễm mạnh.

Bắc Giang đã lấy hơn 200.000 mẫu. Con số này cho thấy nỗ lực kiểm soát dịch bệnh rất lớn của địa phương.

"Chúng tôi cho rằng thời gian tới đây có thể xuất hiện thêm các ca nhiễm đã nằm trong các khu vực cách ly, phong toả. Chúng tôi hy vọng Bắc Giang sớm kiểm soát tình hình dịch", Bộ trưởng nói.

Đối với Bắc Ninh, Bộ Y tế đánh giá có nguy cơ cao vì Bắc Ninh và Bắc Giang là 2 địa bàn giáp ranh nhau. Trong các khu công nghiệp của Bắc Ninh, số lượng công nhân cũng rất lớn.

Trong thời gian qua, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và Bộ Y tế đã liên tục chỉ đạo công tác phòng chống dịch tại các khu công nghiệp của Bắc Ninh. Đến nay, tình hình được kiểm soát tốt. Bộ Y tế hy vọng thời gian tới, Bắc Ninh đảm bảo thực hiện mục tiêu kép.

ghi-1621301322.jpg
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long (Ảnh: Bộ Y tế)

Trong những ngày qua, số ca mắc có khi lên đến 160 ca/ngày, Bộ trưởng cho biết, căn cứ vào tình hình thực tiễn và phân tích về dịch bệnh, các vấn đề về phòng chống dịch bệnh, địa phương sẽ quyết định giãn cách theo Chỉ thị 15 hay Chỉ thị 16 trên từng địa bàn.

"Tuy nhiên, nếu giãn cách xã hội cả một tỉnh thì địa phương phải có báo cáo Chính phủ. Giãn cách xã hội trên quy mô, cách thức hợp lý để chống dịch, nhưng không làm ảnh hưởng đến tình hình phát triển kinh tế xã hội của người dân. Đấy là trách nhiệm của chính quyền địa phương khi đánh giá được tình hình dịch bệnh tại địa phương đó", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Về chiến lược xét nghiệm, trong đợt dịch lần này, Bộ Y tế đã có những thay đổi cơ bản, như xét nghiệm trên diện rộng, tầm soát trên diện rộng. Nếu như trước đây chỉ sử dụng một loại sinh phẩm là RT-PCR, thì hiện nay, Bộ Y tế đã cấp phép và cho phép sử dụng sinh phẩm kháng nguyên nhanh để có thể tự xét nghiệm ngay tại chỗ.

"Chúng tôi đã khuyến khích các đơn vị sản xuất trong nước tiếp tục tăng công suất sản xuất sinh phẩm xét nghiệm. Đồng thời cũng tăng cường nhập khẩu để đảm bảo đủ cho mở rộng xét nghiệm.", Bộ trưởng nói. 

Ngành y tế sẽ tiếp tục hài hoà giữa xét nghiệm kháng nguyên và kháng thể để đánh giá tình hình dịch cũng như về sau này đưa ra các hướng dẫn về cách ly y tế, cách ly tập trung với một số đối tượng là chuyên gia hay người nhập cảnh vào Việt Nam, người nước ngoài nhập cảnh đã tiêm vaccine.

Có thể khẳng định cách thức tiếp cận và cách làm xét nghiệm đã thay đổi để nâng cao tổng lực xét nghiệm phục vụ công tác phòng chống dịch.

Tính đến 6h sáng 18/5, cả nước ghi nhận thêm 19 ca mắc Covid-19. Như vậy tính từ 27/4 đến nay, 28 tỉnh/thành phố có dịch, tổng số ca nhiễm là 1.340. Bắc Giang là địa phương nhiều ca nhiễm nhất, tập trung chủ yếu tại các khu công nghiệp.

Minh Nhân

Link nội dung: https://doanhnghiepvaphapluat.vn/co-ngay-ghi-nhan-toi-160-ca-mac-covid-19-bo-y-te-noi-gi-ve-gian-cach-xa-hoi-a11550.html