Hỗ trợ kinh phí phát triển tài sản trí tuệ trong và ngoài nước

Bộ Tài chính vừa hoàn thiện Dự thảo Thông tư quy định về quản lý tài chính thực hiện Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030, quy định nguyên tắc hỗ trợ kinh phí thực hiện Chương trình từ nguồn ngân sách nhà nước.

Theo Dự thảo, đối với đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên, ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% kinh phí thực hiện nhiệm vụ Chương trình phát triển tài sản trí tuệ.

Đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên, ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí trên cơ sở khả năng thu của đơn vị (tỷ lệ hỗ trợ tối đa không quá 70% tổng dự toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ).

Đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên; các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập, doanh nghiệp và các tổ chức khác thì tự đảm bảo kinh phí để thực hiện nhiệm vụ, ngân sách nhà nước không hỗ trợ kinh phí.

tro-1620804822.jpg
Ảnh minh họa

Để thúc đẩy đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ ở trong và ngoài nước, Dự thảo quy định hỗ trợ kinh phí đăng ký bảo hộ đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu; đăng ký bảo hộ, công nhận giống cây trồng mới của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ theo quy định.

Mức hỗ trợ đăng ký bảo hộ trong nước như sau: Đối với đơn đăng ký bảo hộ sáng chế, tối đa 30 triệu đồng/đơn; Đối với đơn đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu của các tổ chức, cá nhân, tối đa 15 triệu đồng/đơn; Đối với đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng mới, tối đa 30 triệu đồng/đơn; Đối với đăng ký bảo hộ ở nước ngoài, mức hỗ trợ tối đa không quá 60 triệu đồng/đơn.

Mức kinh phí quy định nêu trên là mức hỗ trợ tối đa từ ngân sách nhà nước. Dự thảo quy định, trong trường hợp phát sinh thêm các chi phí khác (nếu có), các đơn vị tham gia Chương trình tự đảm bảo. Bộ Khoa học và Công nghệ (áp dụng đối với nhiệm vụ do trung ương quản lý), các bộ (áp dụng đối với nhiệm vụ cấp bộ) hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (áp dụng đối với nhiệm vụ do địa phương quản lý) chịu trách nhiệm phê duyệt nội dung và mức hỗ trợ căn cứ vào các công việc liên quan và các định mức chi hiện hành.

Dự thảo được soạn theo nhiệm vụ được giao tại Quyết định về việc ban hành quy định quản lý tài chính thực hiện Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030 theo Quyết định số 2205/QĐ-TTg ngày 24/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Ngọc Khánh

Link nội dung: https://doanhnghiepvaphapluat.vn/ho-tro-kinh-phi-phat-trien-tai-san-tri-tue-trong-va-ngoai-nuoc-a11514.html