Theo đó, để chia sẻ khó khăn, giảm bớt gánh nặng tài chính với phụ huynh, học sinh do ảnh hưởng của dịch bệnh và các đợt thiên tai cuối năm 2020, Bộ GD&ĐT đã lấy ý kiến các bộ ngành, địa phương về dự thảo nghị định và báo cáo Chính phủ cho phép giữ học phí năm học 2021-2022 như năm liền kề trước đó.
Học phí từ năm học 2022-2023 sẽ được điều chỉnh tăng theo lộ trình, phù hợp với chỉ số giá tiêu dùng và tốc độ tăng trưởng kinh tế. Trong tương lai, học phí sẽ được tính đủ chi phí theo quy định của Luật Giáo dục, Luật Giá và Nghị định 16/2015 về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công.
Bộ GD&ĐT cũng đề nghị các bộ ngành, địa phương kiểm tra khoản thu, chi trong cơ sở giáo dục, phát hiện và xử lý sai phạm; kiểm tra việc niêm yết, công khai giá vật tư, thiết bị giáo dục, sách giáo khoa; có chính sách hỗ trợ học sinh, sinh viên khó khăn, vùng miền núi, hải đảo để đảm bảo tất cả có sách cho năm học mới.
Cũng tại dự thảo, Bộ GD&ĐT cho biết, đối với các trường công lập chưa tự chủ tài chính hoặc tự chủ tài chính nhưng chưa đạt kiểm định chất lượng, thì thực hiện mức thu học phí không quá một mức trần nhà nước quy định; các trường tự chủ tài chính và đạt kiểm định chất lượng trong nước hoặc quốc tế được thu học phí tối đa từ 2-2,5 lần học phí của các trường chưa tự chủ tài chính hoặc tự chủ tài chính nhưng chưa đạt kiểm định chất lượng.
Chỉ các trường tự bảo đảm chi thường xuyên, đạt kiểm định chất lượng thì mới được tự xác định mức thu học phí trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật, thực hiện công khai giải trình với người học và xã hội. Đồng thời, cơ sở này phải thuyết minh trong phương án tự chủ tài chính trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Linh Tuệ
Link nội dung: https://doanhnghiepvaphapluat.vn/bo-gddt-yeu-cau-cac-co-so-giao-duc-giu-on-dinh-muc-hoc-phi-nam-hoc-2021-2022-a11408.html