Năm 2021 dịch Covid-19 sẽ chưa thể kiểm soát
Ông Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho hay, trên thế giới đã ghi nhận trên 138 triệu trường hợp mắc, trên 2,9 triệu người tử vong tại 221 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trên 600 nghìn ca mắc mới mỗi ngày.
Thái Lan đã xuất hiện đợt bùng phát dịch thứ 3, liên quan đến ổ dịch ở các quán rượu tại thủ đô Bangkok và đã lây lan ra 70 tỉnh thành của nước này.
Tại Campuchia, riêng từ ngày 20/2/2021 đến nay, đã có 4.341 trường hợp mắc. Trong đó số tăng đột biến trong 5 ngày vừa qua với gần 2 nghìn trường hợp. Đặc biệt là ngày 9/4 ghi nhận 576 ca mắc mới, cao hơn cả tổng số ca nhiễm trong năm 2020 (khoảng 500 ca). Ngày 15/4, thủ đô của Phnom Penh đã tiến hành phong toả.
Ông Tấn cho hay, mặc dù, tình hình dịch hiện nay được kiểm soát tốt, đã ngăn chặn kịp thời nhiều đợt bùng phát dịch, tuy nhiên nguy cơ dịch bệnh xâm nhập và bùng phát trở lại vẫn luôn thường trực, đặc biệt tại khu vực Tây Nam Bộ do tình trạng nhập cảnh trái phép gia tăng.
GS. Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế cho hay, tại Campuchia Thủ tướng Hun Sen đã cảnh báo về tình trạng đất nước này có thể bước vào tình trạng khủng hoảng y tế, Thái Lan ca mới tăng, nhiều nước quay trở lại phong toả.
Trước những diễn biến khó lường của tình hình dịch bệnh Covid-19, việc kiểm soát dịch bệnh trong năm 2021 là hết sức khó khăn đối với Việt Nam và thế giới.
Việt Nam đã trải qua 3 đợt dịch và lần dịch gần đây nhất là Hải Dương đã qua 21 ngày không có ca nhiễm ngoài cộng đồng.Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nguy cơ dịch bệnh mới từ nguồn nhập cảnh trái phép.
"Hiện nay, nóng nhất là biên giới Tây Nam với đường biên không có ranh giới, chỉ là các cột mốc, việc đi lại dễ dàng nên việc nhập cảnh trái phép cũng dễ dàng hơn. Vì vậy, việc giữ thật vững biên giới, ngăn chặn nhập cảnh trái phép, cách ly là vấn để then chốt.
Tất cả địa phương có người nhập cảnh về cần phải báo ngay cơ quan chức năng và cách ly. Xử lý nghiêm các trường hợp nhập cảnh trái phép", Bộ trưởng nói.
Theo đánh giá của GS Long, nếu có ca bệnh nhập cảnh trái phép nhiễm biến chủng Covid-19 sẽ hết sức khó khăn. Các địa phương có nguy cơ cao cần phải tăng cường xét nghiệm cho nhóm đối tượng nguy cơ cao. Việc phát hiện sớm ca bệnh thì dập dịch nhanh chóng.
Với những diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh, Bộ Y tế đã đưa ra bài học kinh nghiệm về chuyên môn được đút rút sau 3 đợt dịch để các địa phương lưu ý cụ thể như sau:
- Cách ly và cách ly tập trung: Nếu cách ly quy mô nhỏ các địa phương làm rất tốt. Tuy nhiên, khi cách ly trên một quy mô lớn sẽ có nơi bị lúng túng nhất định (trong đợt dịch tại Hải Dương). Chỉ có cách ly tập trung mới ngăn chặn được dịch bệnh.
Cách ly tập trung các trường hợp tiếp xúc gần. Nếu cho các đối tượng tiếp xúc gần tự cách ly tại nhà sẽ khó ngăn chặn nguy cơ.
- Khoanh vùng, xét nghiệm trên diện rộng, không ngần ngại phong toả.
- Truy vết:. Giao cho công an để truy vết.
- Xét nghiệm: Chuẩn bị cơ sở vật chất, tài chính, phối hợp giữa các đơn vị, trộn mẫu.
- Thành lập Bệnh viện Dã Chiến sau 15 tiếng đồng hồ. Các địa phương phải tính tới bệnh viện dã chiến.
- Điều phối nhân lực y tế: Lấy mẫu xét nghiệm, điều trị, khoanh vùng, cách ly...
Bộ Y tế lưu ý các địa phương không để liều vắc xin nào bị hủy do hết hạn vì không kịp tiêm chủng.
Về vấn đề phản ứng tiêm chủng, Bộ Y tế khẳng định đã tiêm hơn 500.000 nhiều chỉ có 33% phản ứng nhẹ sau tiêm và sau 1-2 ngày hết các triệu chứng; 5 trường hợp phản ứng nặng đã đều bình phục. Tại Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào bị thuyên tắc huyết khối sau tiêm.
Việt Nam luôn đặt tiêu chí an toàn tiêm chủng rất cao. Bộ Y tế đã thành lập ban chỉ đạo an toàn quốc gia tiêm chủng: Tập hợp tất cả các giáo sư đầu ngành để xử lý vấn đề phản ứng vắc xin xảy ra. Điều này sẽ là cơ sở giúp cho các địa phương yên tâm triển khai tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19.
Ngọc Minh
Link nội dung: https://doanhnghiepvaphapluat.vn/bo-y-te-canh-bao-ve-khu-vuc-nong-co-nguy-co-lam-bung-phat-dich-covid-19-a11359.html