Chính sách hỗ trợ năng lượng mặt trời áp mái đặc biệt
Cuối tháng 12/2020, năng lượng mặt trời áp mái của Việt Nam đã tăng gấp 8 lần so với mức 378 MW vào năm 2019. Đáng chú ý, 6 GW trong tổng số 9,3 GW đã được lắp đặt vào tháng cuối năm 2020, khi chính sách thuế ưu đãi đối với năng lượng mặt trời áp mái sắp hết hạn. Thành tựu này đã đưa Việt Nam trở thành thị trường năng lượng mặt trời lớn thứ 3 trên thế giới vào năm 2020.
Việc Việt Nam thực hiện chính sách hỗ trợ năng lượng mặt trời áp mái cũng tương đối khác so với các nước láng giềng ASEAN. Trong khi các quốc gia thành viên ASEAN khác thúc đẩy sử dụng năng lượng mặt trời áp mái bằng cách đo mức tự tiêu thụ như ở Malaysia và Thái Lan, hoặc chủ yếu tập trung vào khu vực dân cư như Indonesia, thì Việt Nam lại áp dụng biểu giá FiT. Phương pháp này có lợi hơn đối với các chủ đầu tư, bởi họ có thể chọn lắp đặt năng lượng mặt trời áp mái để tự tiêu thụ hoặc bán cho lưới điện.
Không chỉ tại các khu dân cư mà cả khu công nghiệp và thương mại của Việt Nam đã thu hút được rất nhiều vốn đầu tư từ năng lượng mặt trời áp mái, với khoảng 101.000 công trình lắp đặt tính đến nay.
Bùng nổ năng lượng mặt trời tại Việt Nam ảnh hưởng ra sao đến khối ASEAN?
Thành công này đã ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất điện của đất nước. Dự thảo Quy hoạch điện VIII mới đây cho thấy năng lượng tái tạo đóng một vai trò lớn hơn đáng kể trong lĩnh vực năng lượng. Với tỷ lệ năng lượng tái tạo cao trong lưới điện, Việt Nam sẽ tăng công suất truyền tải, nâng cấp nhằm vận hành lưới điện linh hoạt hơn, đồng nghĩa với việc công suất than cần phải giảm.
Theo dự thảo Quy hoạch điện VIII, một lượng đáng kể các nhà máy điện than mới sẽ phải đóng cửa. Dự kiến giai đoạn 2026-2030, Việt Nam sẽ không có thêm nhà máy nhiệt điện than mới nào. Đồng thời, năng lượng mặt trời và gió sẽ chiếm 28% tổng công suất hệ thống vào năm 2030 và 41% vào năm 2045.
Bùng nổ năng lượng mặt trời đã tác động lớn đến ngành điện của đất nước. Các quyết định như nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cấp công suất, tăng tính linh hoạt của hệ thống điện... sẽ được định hình dựa trên thành công của năng lượng tái tạo. Nhưng điều này mang lại gì cho khối ASEAN?
Nếu Việt Nam tiếp tục phát triển năng lượng tái tạo với tốc độ hiện tại, điều này sẽ thúc đẩy ASEAN đạt được mục tiêu 23% năng lượng tái tạo trong tổng cơ cấu năng lượng vào năm 2025. Việt Nam được đánh giá là "con hổ mới" của ASEAN về năng lượng tái tạo, vượt xa Thái Lan - quốc gia tiên phong trong lĩnh vực này. Năm 2017, thị phần năng lượng tái tạo của ASEAN trong nguồn cung năng lượng sơ cấp vẫn ở mức 13,7%.
Theo báo cáo Triển vọng Năng lượng ASEAN lần thứ 6, để đạt mục tiêu, ASEAN cần bổ sung tích lũy công suất tái tạo 138 GW trong 5 năm với, với năng lượng mặt trời (56%) và thủy điện (22%), cũng như sẽ cần 149 tỷ USD đầu tư tích lũy bổ sung cho đến năm 2025.
Việt Nam cũng có thể tạo ra động lực lớn cho lưới điện ASEAN. Hiện nay, một trong những dự án nổi bật trong khu vực là dự án kết nối điện Lào - Thái Lan - Malaysia, đang mở rộng thêm cả Singapore. Theo đó, Lào với vai trò "khối pin của ASEAN" sẽ thực hiện mua bán điện song phương hoặc đa phương do có nguồn thủy điện lớn.
Tuy nhiên, những rủi ro về biến đổi khí hậu hiện nay như hạn hán kéo dài đã làm tăng thách thức trong việc duy trì nguồn cung cho các tuyến liên kết xuất nhập khẩu điện ở khu vực sông Mekong trong mùa khô.
Sẽ có các dự án kết nối điện trong ASEAN?
Đặc biệt, Việt Nam đang tăng cường lắp đặt năng lượng mặt trời và gió tại khu vực phía Nam. Như vậy, khả năng kết nối mới với các nước láng giềng ASEAN đang trở nên khả thi hơn. Có thể không lâu nữa, bùng nổ năng lượng mặt trời ở Việt Nam sẽ thúc đẩy hoạt động thương mại đa phương mới trong khuôn khổ Lưới điện ASEAN.
Dự kiến trong tương lai không xa, Việt Nam có thể bán lượng điện năng lượng tái tạo dư thừa cho Campuchia, tạo liên kết Việt Nam - Campuchia - Thái Lan - Malaysia.
Đã hai lần trải qua thời kỳ bùng nổ năng lượng mặt trời - từ chương trình FiT năng lượng mặt trời vào năm 2019 đến năng lượng mặt trời áp mái vào năm 2020 - Việt Nam đã trở thành tâm điểm toàn cầu về đầu tư năng lượng tái tạo. Do vậy, với khung pháp lý thuận lợi, tới đây Việt Nam nói riêng cũng như khu vực ASEAN nói chung sẽ nhận được hàng loạt các khoản đầu tư vào năng lượng tái tạo từ các nhà đầu tư nước ngoài.
Là nền kinh tế lớn thứ 6 trên thế giới, ASEAN được kỳ vọng nhu cầu từ các nguồn năng lượng bền vững sẽ tăng nhanh, cùng với hàng tỷ USD đầu tư vào năng lượng tái tạo. Sự bùng nổ năng lượng mặt trời ở Việt Nam đang tạo "cơ hội vàng" cho ASEAN đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng.
Anh Vũ