Dự báo tăng trưởng GDP quý I đạt 3,5-4%
Những tháng cuối năm 2020, khi tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát tốt, kinh tế Việt Nam có nhiều điểm sáng về xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài khi hàng loạt “ông lớn” về công nghệ chuyển dịch sang đầu tư tại Việt Nam. Từ bức tranh tươi sáng đó, Chính phủ đã đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021 là 6,5%.
Tuy nhiên, những tháng đầu năm 2021, dịch Covid-19 với biến thể mới diễn biến nhanh và phức tạp ở trong nước đã ảnh hưởng ít nhiều đến hoạt động kinh tế nội địa, kéo theo đó là sự sụt giảm của nhiều ngành nghề kinh tế.
Ông Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho biết, đây là thời kỳ nhiều rủi ro và rất khó đoán định. Trong bối cảnh đó, cần nhận diện rõ hơn và cần trả lời rõ hơn câu hỏi liệu các yếu tố trên đã giúp Việt Nam thành công trong việc đạt mục tiêu kép năm 2020 có còn được tiếp tục duy trì không trong năm 2021.
“Mặc dù trong những tháng đầu năm 2021, xuất khẩu của Việt Nam có nhiều điểm sáng. Tuy nhiên, trước những diễn biến rất phức tạp của dịch Covid-19, dự báo tăng trưởng kinh tế trong quý 1 đạt từ 3,5 - 4%, con số này thấp hơn tăng trưởng quý IV năm 2020 (4,8%)”.
Theo ông Kiên, thời gian này, Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng phải chạy lại mô hình dự báo tăng trưởng, bởi từ tháng 2/2021, nhu cầu tiêu dùng và sức mua trong nước giảm đáng kể, cho nên nếu dùng kết quả của cuối tháng 1/2021 để chạy mô hình sẽ không cho kết quả chính xác.
“Thời điểm này dịch Covid-19 diễn biến quá nhanh, cho nên gần như chúng tôi phải chạy lại số liệu liên tục. Dự báo thì phải có số liệu đầu vào, khi số liệu đầu vào thay đổi thì mô hình cũng cần phải thay đổi", ông Kiên nói.
Theo ông Kiên, hiện tổ đang chạy 3 mô hình dự báo song song: Thứ nhất là mô hình của GS. Trần Thọ Đạt trường Kinh tế Quốc dân; thứ hai là mô hình của TS. Cấn Văn Lực và cuối cùng là mô hình của TS. Vũ Thành Tự Anh.
Đầu vào của 3 mô hình khác nhau, nếu như mô hình của TS. Cấn Văn Lực nghiêng về các chính sách tiền tệ, chính sách tín dụng để giữ ổn định hệ thống ngân hàng, thì mô hình của GS. Trần Thọ Đạt thiên về đánh giá an sinh xã hội, người lao động, còn mô hình của TS. Vũ Thành Tự Anh là ổn định vĩ mô.
“Mỗi mô hình là mỗi trọng số khác nhau. Khi có kết quả, chúng tôi sẽ ngồi trao đổi, phân tích, bàn bạc xem tại sao lại ra kết quả như vậy. Khi có đầy đủ sự phân tích, đối chiếu, so sánh thì mới dựng lại bức tranh kinh tế và đưa ra các giải pháp phù hợp với tình hình mới”, ông Kiên cho hay.
Điểm sáng kinh tế 2 tháng đầu năm
Bộ Công Thương vừa có báo cáo về tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2021. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 2/2021 ước tính đạt 20 tỷ USD, giảm 29,9% so với tháng trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 4,65 tỉ USD, giảm 31,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 15,35 tỷ USD, giảm 29,3%.
So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 2 giảm 4,7%, trong đó khu vực kinh tế trong nước giảm 15,1%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) giảm 1%.
Tính chung 2 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 48,55 tỷ USD, tăng 23,2% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 2 tháng đầu năm có 9 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 73,8% tổng kim ngạch xuất khẩu. Cụ thể: Điện thoại và linh kiện có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất, đạt 9,3 tỷ USD, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm trước; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 6,9 tỷ USD, tăng 27,3%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 5,5 tỷ USD, tăng 72,6%; hàng dệt may đạt 4,76 tỷ USD, tương đương cùng kỳ năm trước; giày dép đạt 3,2 tỷ USD, tăng 15,4%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 2,4 tỷ USD, tăng 51%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 1,6 tỷ USD, tăng 11,6%; sắt thép đạt 1,1 tỷ USD, tăng 71,9%; thủy sản đạt 1,01 tỷ USD, tăng 0,7%.
Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm nay với kim ngạch đạt 13,78 tỷ USD, tăng 34,3% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là Trung Quốc đạt 8,2 tỷ USD, tăng 50,5%. Thị trường EU đạt 6,1 tỷ USD, tăng 18,4%. Thị trường ASEAN đạt 4,1 tỷ USD, tăng 3,4%. Hàn Quốc đạt 3,35 tỷ USD, tăng 13,4%. Nhật Bản đạt 3,15 tỷ USD, tăng 1,1%.
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 2/2021 ước tính đạt 20,8 tỷ USD, giảm 21,4% so với tháng trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 6,75 tỷ USD, giảm 23,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 14,05 tỷ USD, giảm 20,1%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 2 tăng 10,5%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 3,6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 14,2%.
Tính chung 2 tháng đầu năm 2021, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 47,26 tỷ USD, tăng 25,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 15,62 tỷ USD, tăng 16%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 31,64 tỷ USD, tăng 31,4%.
Cán cân thương mại hàng hóa tháng 2 ước tính nhập siêu 800 triệu USD. Tính chung 2 tháng đầu năm 2021, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 1,29 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 1,8 tỷ USD), trong đó khu vực trong nước nhập siêu 4,14 tỷ USD; khu vực đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 5,43 tỷ USD.
Lạc quan trong thận trọng
Nhận định về bức tranh kinh tế trong quý 1/2021 và cả năm 2021, chuyên gia kinh tế độc lập Trần Sỹ Chương cho biết, mặc dù, nhiều tổ chức kinh tế - tài chính thế giới nhận định nền kinh tế Việt Nam sẽ hồi phục hoàn toàn trong năm 2021.
Tuy nhiên, ông cho rằng Việt Nam không nên chủ quan, mà cần thận trọng khi đánh giá về sự hồi phục hoàn toàn của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2021, vì hiện dịch đang diễn biến nhanh, phức tạp.
“Việt Nam đã là nền kinh tế rất mở, hội nhập sâu rộng vào thế giới, nên khi bất kỳ quốc gia, nền kinh tế nào bị tổn thương cũng sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam. Trong bối cảnh dịch Covid-19, có quốc gia phục hồi nhanh hơn, có quốc gia phục hồi chậm hơn, song “đoàn tàu kinh tế thế giới” vẫn bị ảnh hưởng”, ông Chương nói.
Báo cáo kinh tế vĩ mô “Lạc quan trong thận trọng” của VnDirect mới công bố cũng cho rằng, đợt bùng phát Covid-19 mới sẽ làm chậm đà phục hồi của nền kinh tế Việt Nam trong nửa sau quý 1/2021.
Theo VnDirect, ngành dịch vụ chịu tác động mạnh nhất bởi làn sóng Covid-19 thứ 3 này. Sự phục hồi của ngành du lịch có thể bị chững lại do làn sóng Covid mới. Báo cáo từ các công ty du lịch và hàng không cho thấy nhiều du khách đã hủy đặt chuyến bay và đặt phòng khách sạn, hoặc tạm hoãn kế hoạch.
Thứ hai, việc giãn cách xã hội toàn tỉnh Hải Dương và đóng cửa một số dịch vụ không thiết yếu ở các tỉnh, thành phố khác có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng của một số ngành dịch vụ, đặc biệt là phân ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống, du lịch và giải trí.
Tuy vậy, niềm hy vọng của nền kinh tế Việt Nam là AstraZeneca và Công ty Cổ phần Vắc xin Việt Nam (VNVC) đang hợp tác để phân phối khoảng 30 triệu liều vắc xin Covid-19 tại Việt Nam, từ quý I/2021. Do đó, VnDirect tin rằng việc tiêm chủng vắc xin Covid-19 kể từ quý I/2021 sẽ giúp ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid-19 tại Việt Nam, từ đó tạo nền tảng vững chắc cho sự phục hồi bền vững của nền kinh tế Việt Nam trong những quý tiếp theo.
“Năm 2021, Việt Nam sẽ đối mặt với những hệ luỵ xã hội lớn và âm ỉ, vấn đề thất nghiệp, việc làm, bất ổn xã hội. Nếu chúng ta không nhìn xa, không chuẩn bị, đặc biệt khi Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên tự động hoá thì những bất ổn trong vấn đề việc làm sẽ gây những hệ luỵ rất lớn”, ông Chương cảnh báo. |
Theo Bùi Quyền
"https://thuonghieucongluan.com.vn/quy-i-2021-kinh-te-viet-nam-van-co-nhieu-diem-sang-a129517.html"
Link nội dung: https://doanhnghiepvaphapluat.vn/quy-i-2021-kinh-te-viet-nam-van-co-nhieu-diem-sang-a11070.html