World Bank: Nhập khẩu từ Trung Quốc tăng gấp đôi, Việt Nam xuất hiện thâm hụt thương mại lần đầu trong 10 tháng

Kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc trong tháng 2/2021 đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Nhập khẩu tăng mạnh, xuất khẩu giảm nhẹ, Việt Nam xuất hiện thâm hụt thương mại lần đầu tiên kể từ tháng 4/2020...

World Bank: Nhập khẩu từ Trung Quốc tăng gấp đôi, Việt Nam xuất hiện thâm hụt thương mại lần đầu trong 10 tháng

Việt Nam ghi nhận thâm hụt thương mại lần đầu tiên trong 10 tháng do xuất khẩu giảm nhẹ trong khi nhập khẩu tiếp tục tăng mạnh, Báo cáo Cập nhật Tình hình Kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 3/2021 của Ngân hàng Thế giới (World Bank) cho biết.

Cụ thể, trong tháng 2/2021, xuất khẩu hàng hóa giảm 4,2% trong khi nhập khẩu tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước, dẫn đến thâm hụt thương mại lần đầu tiên kể từ tháng 4/2020, ở mức 800 triệu USD.

World Bank: Nhập khẩu từ Trung Quốc tăng gấp đôi, Việt Nam xuất hiện thâm hụt thương mại lần đầu trong 10 tháng - Ảnh 1.

Trong khi xuất khẩu hàng dệt may, giày dép và điện thoại giảm thì máy tính, sản phẩm điện tử và quang học, máy móc, kim loại và sản phẩm kim loại, gỗ và đồ nội thất vẫn duy trì mức tăng trưởng mạnh mẽ.

Các doanh nghiệp xuất khẩu có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, khu vực đang thống trị lĩnh vực sản xuất sản phẩm công nghệ cao, tỏ ra năng động hơn khi kim ngạch xuất khẩu chỉ giảm 1%, so với mức giảm 15,1% (so với cùng kỳ năm trước) của các doanh nghiệp trong nước.

Theo đối tác thương mại, dữ liệu sơ bộ cho thấy xuất khẩu sang Mỹ và Trung Quốc tăng, trong khi xuất khẩu sang EU, ASEAN, Hàn Quốc và Nhật Bản giảm.

Kim ngạch nhập khẩu tăng là do nhập khẩu từ Trung Quốc trong tháng 2/2021 đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, tương tự như xu hướng nhập khẩu tháng 1/2021.

Vào tháng 1/2021, nhập khẩu điện thoại, máy tính, điện tử và linh kiện, và máy móc thiết bị chiếm một nửa tổng kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc và tăng hơn 75% so với cùng kỳ năm trước.

"Điều này phản ánh sự phụ thuộc nhiều của Việt Nam vào đầu vào nhập khẩu trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, cũng như việc đa dạng hóa thương mại tiếp tục diễn ra do căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa được giải quyết", báo cáo của World Bank cho biết.

Theo Tổng cục Thống kê, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm, với kim ngạch ước tính đạt 17,3 tỷ USD, tăng 85,7% so với cùng kỳ năm trước; Hàn Quốc đạt 8,4 tỷ USD, tăng 6,7%; thị trường ASEAN đạt 5,6 tỷ USD, tăng 18,5%; Nhật Bản đạt 3,1 tỷ USD, giảm 0,2%; thị trường EU đạt 2,3 tỷ USD, tăng 4,7%; Hoa Kỳ đạt 2,1 tỷ USD, giảm 4,1%.

Tuy nhiên, World Bank cho rằng hiện còn quá sớm để kết luận hiện tượng thâm hụt thương mại này có thể hiện một xu hướng mới trong cán cân thương mại hàng hóa hay không.

Theo Bình An

"https://doanhnghieptiepthi.vn/world-bank-nhap-khau-tu-trung-quoc-tang-gap-doi-viet-nam-xuat-hien-tham-hut-thuong-mai-lan-dau-trong-10-thang-161211503125247996.htm"

Link nội dung: https://doanhnghiepvaphapluat.vn/world-bank-nhap-khau-tu-trung-quoc-tang-gap-doi-viet-nam-xuat-hien-tham-hut-thuong-mai-lan-dau-trong-10-thang-a11068.html