Phát biểu tại cuộc họp, lãnh đạo tỉnh Hải Dương cho biết, đến nay, tình hình chuyển biến tốt, số ca dương tính giảm. Tỉnh xác định xét nghiệm là rất quan trọng. Do dịch kéo dài, diện rộng, nên việc lấy mẫu xét nghiệm khá lớn, dự báo khi kết thúc giãn cách xã hội trên địa bàn, số lượng xét nghiệm có thể trên 500.000 mẫu. Tỉnh kiến nghị các bộ, ngành, địa phương hỗ trợ việc lưu thông hàng hóa, nhất là đường ra Cảng Hải Phòng.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cho biết, vẫn đón nhận lao động Hải Dương đến làm việc mà không có sự cản trở nào. Tuy nhiên, để phòng dịch, lao động sẽ được cách ly 14 ngày và tiến hành xét nghiệm theo quy định. Thời gian qua, tỉnh xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định phòng chống dịch với hơn 340 trường hợp, tổng số tiền phạt khoảng 1 tỷ đồng.
Về tình hình sản xuất kinh doanh, theo lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, các ngành công nghiệp như ngành than, điện không bị ảnh hưởng nhiều. Ngành du lịch, dịch vụ bị đình trệ, quý I/2021 chỉ đón 700.000 lượt khách so với mục tiêu đặt ra là 3,6 triệu lượt.
Lãnh đạo TP. Hải Phòng cho biết, thành phố cảng đã có biện pháp quyết liệt khi phát hiện 3 ca dương tính ngày 22/2, là nhân viên y tế tại Bệnh viện Giao thông vận tải và bạn gái, em bạn gái. Đến nay, mở rộng truy vết, xét nghiệm các trường hợp F1, F2 đều có kết quả âm tính. Về vấn đề vaccine, Hải Phòng sẽ dùng ngân sách thành phố để tiêm cho 2 triệu dân thành phố; mong muốn Chính phủ, Bộ Y tế quan tâm, tạo điều kiện cho Hải Phòng.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết, việc ách tắc hàng hóa thời gian ban đầu tại Hải Dương là kinh nghiệm cho các địa phương khác. Bộ Công Thương đã kết nối với các đơn vị tiêu thụ lớn, tập đoàn bán lẻ để tiêu thụ hàng hóa cho Hải Dương, tuy nhiên, vướng không phải do nhu cầu không có, chuỗi siêu thị không nhiệt tình mà là do vấn đề vận tải. Mặc dù Bộ Y tế đã có hướng dẫn về vận tải hàng hóa an toàn, nhưng có tình trạng các tỉnh hiểu khác nhau, áp dụng khác nhau. Đến nay, vấn đề cơ bản đã được xử lý nhưng đây là kinh nghiệm cần rút. Tháo gỡ để hàng hóa lưu thông là điều kiện căn bản để thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ, Thứ trưởng Đặng Hoàng An nói.
Một số ý kiến nhất trí cho rằng, chống dịch quyết liệt nhưng không nên cực đoan mà có biện pháp phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, cho các cơ sở sản xuất.
Chiến lược "vaccine + 5K"
Phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc biểu dương Ban Chỉ đạo quốc gia, Bộ Y tế, các địa phương đã tích cực, quyết liệt trong phòng chống dịch, biểu dương các đoàn tiền phương, nhiều cá nhân xuất sắc, lăn lộn trong vùng dịch để chỉ đạo.
Thủ tướng đánh giá cao nỗ lực của Bộ Y tế thực hiện nghiêm túc yêu cầu của Bộ Chính trị, của Thủ tướng Chính phủ khi gần 117.000 liều vaccine đã về đến Việt Nam để sớm đưa vào tiêm chủng cho người dân vào thời gian tới, vaccine lần lượt về nhiều hơn và sẽ tổ chức tiêm kịp thời cho người dân.
Nhấn mạnh thực hiện mục tiêu kép, Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo quốc gia, các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo một số biện pháp. Thứ nhất, về vấn đề vaccine, tuy có vaccine về đến sân bay, nhưng tinh thần của ngành y tế phải là thần tốc với những biện pháp mạnh mẽ, kịp thời, quyết liệt hơn để tiêm cho các đối tượng sẽ được quy định rõ hơn tại một nghị quyết của Chính phủ. Thủ tướng giao VPCP và Bộ Y tế sớm trình dự thảo nghị quyết về vấn đề tiêm vaccine với những đối tượng được ưu tiên. Chiến lược của chúng ta là "vaccine + 5K", Thủ tướng nêu rõ, không vì vaccine mà chúng ta chủ quan.
Không thể ngay một lúc tiêm vaccine được cho tất cả 100 triệu người nên phải có thứ tự ưu tiên, Thủ tướng cho rằng, ưu tiên cho nhân viên y tế, cơ sở điều trị, xét nghiệm, nhân viên lấy mẫu, thứ 2 là lực lượng biên phòng, công an tại khu cách ly, thứ 3 là lực lượng truy vết, khoanh vùng, dập dịch tại vùng có dịch, lực lượng phòng chống dịch tự nguyện và các đối tượng khác theo nghị quyết của Chính phủ trên nguyên tắc quan trọng là đối tượng có nguy cơ cao thì tiêm trước, nguy cơ thấp thì tiêm sau, vùng có dịch tiêm trước, vùng không có dịch thì tiêm sau.
"Tinh thần là bao phủ vaccine cho người dân Việt Nam nhưng do những điều kiện cụ thể, không thể tiêm ngay được nên có thứ tự ưu tiên như vậy".
Phải có ngay quy chế về lưu thông hàng hóa vùng có dịch
Về lưu thông hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm, nhấn mạnh không ngăn sông cấm chợ, Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế ban hành ngay quy trình tiêu thụ nhanh các sản phẩm nông nghiệp trong vùng có dịch, vừa bảo đảm yêu cầu phòng dịch, vừa không để ách tắc. Chủ tịch UBND các tỉnh, nhất là các tỉnh đang có dịch có biện pháp cụ thể để kiểm soát dịch, đồng thời đẩy mạnh sản xuất kinh doanh. Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia, Bộ Y tế không can thiệp sâu vào những vấn đề cụ thể của địa phương, giao quyền cho địa phương ban hành các biện pháp cụ thể ở địa phương mình như phong tỏa, thực hiện các chỉ thị 15, 16… tùy tình hình địa phương và kịp thời giải tỏa khi tình hình đã ổn định, cụ thể như TPHCM sáng nay được công bố với hàng chục điểm được giải tỏa, không còn phong tỏa, Thủ tướng nói. "Các đồng chí xem xét cụ thể để không ách tắc".
Thủ tướng nhất trí cho rằng, các địa phương, nhất là khu vực có cảng như Hải Phòng phải bảo đảm lưu thông hàng hóa bình thường, biện pháp thông thoáng, chủ động phòng chống nhưng không ngăn sông cấm chợ và yêu cầu phải có ngay một quy chế giữa 3 bộ để có thể thực hiện chủ trương lưu thông hàng hóa bình thường, nhất là các vùng kinh tế trọng điểm, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh.
Bộ Giáo dục và Đào tạo và các địa phương đẩy mạnh việc học trực tuyến để bảo đảm việc học tập cho học sinh, sinh viên và "hiện nay tôi biết là trên 51 địa phương đã cho học sinh trở lại học tập bình thường".
Các Bộ Quốc phòng, Công an, Y tế và UBND các địa phương, nhất là Bộ Quốc Phòng chuẩn bị sẵn sàng các khu vực cách ly, bảo đảm yêu cầu phòng chống dịch, thực hiện nghiêm quy định cách ly tập trung và tăng cường giám sát việc thực hiện cách ly y tế, không để xảy ra tình trạng lây nhiễm trong cơ sở y tế tập trung.
Tiếp tục tăng cường chỉ đạo công tác kiểm soát đường biên giới, đường bộ, đường thủy, quản lý chặt chẽ hoạt động xuất nhập cảnh không để xảy ra tình trạng vượt biên trái phép, nguy cơ lây lan dịch bệnh ra cộng đồng. Bộ Y tế, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Quốc phòng và các địa phương có thể chuẩn bị một số khu vực như Singapore đã làm, đó là các khu vực giao dịch an toàn, không để ách tắc.
Bảo vệ sức khỏe nhân dân rất quan trọng nhưng không thể vì chống dịch mà chúng ta ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm cho người dân và đây là những điểm mà nếu không giải quyết sớm thì dứt khoát là ảnh hưởng tới tăng trưởng phát triển, Thủ tướng nêu rõ.
Bộ Y tế làm đầu mối để tiếp nhận các kênh có vaccine quan tâm tới Việt Nam để có khối lượng cần thiết tiêm cho nhân dân.
Lô vắc xin ngừa COVID-19 đầu tiên đã về tới Việt Nam Đúng 11h trưa ngày 24-2, lô vắc xin ngừa COVID-19 đầu tiên đã về tới Việt Nam qua cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (TP.HCM). Lô vắc xin có 117.600 liều đầu tiên theo hợp đồng đặt mua 30 triệu liều Astrazeneca đã ký với Bộ Y tế và Hệ thống tiêm chủng VNVC. Như vậy, ngoài 4 đơn vị trong nước đang "chạy đua" sản xuất vắc xin, Việt Nam chính thức có vắc xin nhập khẩu sau nhiều tháng nỗ lực đàm phán. Công ty Dịch vụ mặt đất sân bay Việt Nam (VIAGS) vận chuyển lô hàng xuống máy bay. Trong quá trình chuyển xuống, lô hàng được áp tải rất nghiêm ngặt bằng camera hành trình giám sát tất cả các công đoạn. Sau đó sẽ vận chuyển qua kho hàng để bảo quản và chờ làm thủ tục xuất hàng. Đại diện Chính phủ và Bộ Y tế, Thứ trưởng Trương Quốc Cường phát biểu: "Lô vắc xin đầu tiên về rất kịp thời cho công tác phòng, chống dịch của chúng ta hiện nay. Mặc dù Việt Nam đã nỗ lực kiểm soát tốt dịch bệnh, tuy nhiên để thực hiện được mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế thì nhất định cần thực hiện tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho người dân để tạo miễn dịch cộng đồng. Chúng tôi ghi nhận sự nỗ lực, chủ động của Hệ thống tiêm chủng VNVC và Công ty AstraZeneca đã sớm tiến hành các thỏa thuận đặt mua vắc xin ngay từ giai đoạn rất sớm, khi còn trong quá trình nghiên cứu phát triển vắc xin, từ đó Việt Nam sớm có lô vắc xin này. Bộ Y tế đang tiếp tục xúc tiến việc nhập các vắc xin phòng COVID-19 từ các nhà sản xuất khác theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để triển khai tiêm vắc xin nhanh chóng và đúng theo thứ tự ưu tiên". Lô vắc xin này do Tập đoàn dược phẩm AstraZeneca phối hợp cùng Đại học Oxford (Vương quốc Anh) nghiên cứu và sản xuất. Những điểm nổi bật của vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca Hiệu quả miễn dịch cao. Sau hai liệu trình thử nghiệm, vắc xin cho hiệu quả bảo vệ trung bình đạt từ 62-90%, vượt mức kỳ vọng của WHO khi WHO công bố chỉ cần đạt trên 50% hiệu lực bảo vệ trước COVID-19 là các vắc xin đã có thể được sản xuất rộng rãi. Đảm bảo tính an toàn. Vắc xin cũng được thử nghiệm trên 60.000 người khắp toàn cầu. Các thử nghiệm giai đoạn II/III ở Anh và Brazil cho thấy vắc xin này hiệu quả cao trong việc ngăn ngừa COVID-19, mà không ghi nhận bất cứ vấn đề nghiêm trọng nào. Công nghệ mới, ổn định. Vắc xin được điều chế dựa trên công nghệ vector, ổn định hơn so với phương pháp mRNA (thông tin di truyền) của những vắc xin khác cùng xuất phát điểm. Bảo quản dễ dàng. Vắc xin có thể được lưu trữ ở điều kiện nhiệt độ bảo quản vắc xin thông thường (từ 2 - 8 độ C) ngay tại cơ sở tiêm chủng bằng hệ thống dây chuyền bảo quản lạnh (Cold chain) đạt tiêu chuẩn GSP và bảo quản tại tủ lạnh chuyên dụng tại phòng tiêm. |
PV
"https://doanhnghieptiepthi.vn/thu-tuong-yeu-cau-nhanh-chong-tiem-chung-vac-xin-covid-19-va-khoi-thong-ach-tac-hang-hoa-161210224152557424.htm"
Link nội dung: https://doanhnghiepvaphapluat.vn/thu-tuong-yeu-cau-nhanh-chong-tiem-chung-vac-xin-covid-19-va-khoi-thong-ach-tac-hang-hoa-a10850.html