Nhắc đến các doanh nghiệp ngành phân đạm, chúng ta thường nhớ ngay đến các thương hiệu phân đạm nổi tiếng như Đạm Cà Mau (DCM), Đạm Phú Mỹ (DPM) hay Đạm Hà Bắc (DHB), phân bón đầu trâu Bình Điền...Ngoài ra còn những cái tên như Phân lân Ninh Bình, Super Phốt phát và Hòa chất Lâm Thao (LAS), Phân bón Miền Nam cũng quen thuộc với nhiều người...
Trong đó Đạm Cà Mau và Đạm Phú Mỹ là 2 ông lớn trong ngành và cả 2 doanh nghiệp này đều có doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng so với năm 2019. Trong đó tỷ lệ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của Đạm Cà Mau lớn hơn rất nhiều so với Đạm Phú Mỹ.
Phần lớn doanh nghiệp có doanh thu giảm so với cùng kỳ
Khác với năm 2019, năm 2020 ghi nhận kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp ngành phân đạm tăng trưởng so với cùng kỳ. Tuy vậy một điểm đáng chú ý là dù lợi nhuận tăng mạnh nhưng phần lớn các doanh nghiệp đều có doanh thu giảm sút.
Năm 2020 ngoài các tác động của cạnh tranh với hàng nhập khẩu, với các nước thuộc khối ASEAN được ưu đãi thuế đặc biệt 0%, hiệp định ATIGA, mà các doanh nghiệp còn chịu sự ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh. Hàng hóa đình trệ, công tác sản xuất chậm lại...
Doanh thu của Super phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (LAS) giảm mạnh nhất, đến 19,5% so với năm 2019, còn gần 2.300 tỷ đồng. Doanh thu của Phân bón Miền Nam (SFG) cũng giảm 14,7% so với năm 2019, còn gần 1.400 tỷ đồng. Trong khi đó doanh thu của Hóa chất Việt Trì (HVT) giảm hơn 27% so với cùng kỳ, còn 711 tỷ đồng. Những doanh nghiệp có doanh thu giảm sút so với năm 2019 còn có Phân bón Bình Điền (BCF), có Đạm Hà Bắc (DHB), có phân bón và Hóa chất dầu khí Miền Trung (PCE), phân lân nung chảy văn Điển (VAF)...
Doanh thu giảm nhưng LNST nhiều doanh nghiệp tăng mạnh so với cùng kỳ
Giá cả các mặt hàng nông sản cũng ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ phân bón của người nông dân. Trong đó, yếu tố ảnh hưởng mạnh nhất đó là khí hậu, mùa vụ. Năm 2020 được xem là có nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp ngành chăn nuôi trồng trọt do sự biến đổi của thời tiết, ảnh hưởng của dịch bệnh.
Năm 2020 ghi nhận nhiều nhất các vụ giải cứu nông sản do ảnh hưởng của dịch bệnh, hàng hóa không thể xuất khẩu, các thương lái không mua hàng... đây cũng là một trong những lý do khiến giá bán phân bón giảm theo.
Theo số liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu trong năm 2020 nhóm ngành phân bón ở mức 3,8 triệu tấn (tăng nhẹ 0,11% so với năm 2019). Giá phân bón nhập khẩu năm 2020 giảm trung bình 9,28% so với năm trước, ở mức 250,18 USD/tấn, đã giúp tiết kiệm đáng kể kinh phí nhập khẩu.
Thị trường phân bón Việt Nam năm qua đã có sự biến động mạnh về giá cả, đặc biệt là phân đơn như Urê, DAP, Kali. Hầu hết các loại phân bón đều giảm về mức đáy vào giữa năm và hồi phục trở lại vào những tháng cuối năm 2020. Trong khi đó, giá phân NPK nội địa ổn định trong suốt năm 2020, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất phân NPK từ phân đơn được hưởng lợi từ sự chênh lệch giá này.
Lợi nhuận của Đạm Phú Mỹ tăng 81% so với cùng kỳ
Nhắc đến lợi nhuận tăng trưởng, cần nhắc đến 2 ông lớn Đạm Phú Mỹ (DPM) và Đạm Cà Mau. Trong đó Đạm Phú Mỹ có doanh thu năm 2020 gần như đi ngang với 7.762 tỷ đồng, thì lợi nhuận sau thuế bất ngờ tăng đến 81%, lên trên 703 tỷ đồng.
Khoản lợi lớn của Đạm Phú Mỹ chủ yếu đến từ tiền thu nhập khác hơn 528 tỷ đồng, trong đó có 442 tỷ đồng tiền bồi thường 6,2ha đất Cà Mau và gần 88 tỷ đồng tiền bồi thường từ PVI trong vụ kho Vũng Áng và gián đoạn kinh doanh.
Đạm Cà Mau đạt mức tăng trường 55,5% về lợi nhuận
Đạm Cà Mau, doanh thu năm 2020 tăng 7,4% so với năm 2019, lên 7.563 tỷ đồng trong khi lợi nhuận sau thuế cũng tăng đến 55,5%, lên mức 665 tỷ đồng. Đây cũng là năm thứ 4 liên tiếp doanh thu Đạm Cà Mau tăng trưởng so với cùng kỳ.
Ngay trước khi kết thúc năm 2020 Đạm Cà Mau đã kịp điều chỉnh kế hoạch kinh doanh so với số liệu đặt ra hồi đầu năm. Trong đó điều chỉnh kế hoạch doanh thu giảm 1.000 tỷ đồng, xuống mức 6.953 tỷ đồng và chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế điều chỉnh tăng từ 52 tỷ đồng lên 479 tỷ đồng. Và Đạm Cà Mau đã hoàn thành, vượt 8,8% mục tiêu về doanh thu và vượt 39% chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm.
Giải trình về kết quả kinh doanh, phía công ty cho biết, tuy giá bán bình quân giảm khoảng 10% so với cùng kỳ, nhưng sản lượng tăng cũng một phần làm cho doanh thu cân bằng hơn. Trong cơ cấu doanh thu của Đạm Cà Mau, doanh thu từ bán Ure đạt hơn 6.025 tỷ đồng, chiếm khoảng 78% tổng doanh thu toàn công ty. Giá vốn của Ure ghi nhận hơn 5.074 tỷ đồng, tương ứng riêng mảng Ure lãi thuần khoảng 950 tỷ đồng.
Phân bón Bình Điền ghi nhận doanh thu năm 2020 giảm 11,6% so với năm 2019, còn 5.422 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế đạt hơn 201 tỷ đồng, vượt 31% chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm và lợi nhuận sau thuế tăng trưởng 68%, lên gần 167 tỷ đồng. EPS đạt 2.103 đồng.
Đạm Hà Bắc (DHB) tiếp tục lỗ lớn
Trong những cái tên quen thuộc ngành phân đạm, Đạm Hà Bắc (DHB0 lại thường xuyên được nhắc đến với số lỗ lớn hàng năm. Năm 2020 Đạm Hà Bắc tiếp tục lỗ 1.461 tỷ đồng, tăng hơn gấp đôi so với số lỗ 638 tỷ đồng ghi nhận trong năm 2019, nâng tổng lỗ lũy kế đến cuối năm lên 4.747 tỷ đồng. Đạm Hà Bắc đã âm vốn chủ sở hữu gần 2.000 tỷ đồng.
Xét các chỉ tiêu kinh doanh, doanh thu năm 2020 đạt 2.790 tỷ đồng, giảm hơn 4% so với năm 2019. Tuy nhiên giá vốn tăng cao khiến công ty lỗ thuần từ hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ hơn 297 tỷ đồng. Thêm vào đó là chi phí tài chính tăng, chi phí khấu hao tăng, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng... làm cho Đạm Hà Bắc lỗ lớn.
Vẫn còn đó những doanh nghiệp còn lượng tiền dồi dào
Báo cáo tài chính Đạm Cà Mau ghi nhận, đến hết năm 2020 công ty còn hơn 500 tỷ đồng tiền và tương đương tiền, trong đó có 220 tỷ đồng tiền gửi kỳ hạn dưới 3 tháng. Ngoài ra còn có hơn 2.300 tỷ đồng tiền gửi kỳ hạn trên 3 tháng đến dưới 12 tháng. Tổng cộng Đạm Cà Mau có hơn 2.500 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn tại ngân hàng, tăng khoảng 400 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm.
Cũng "giàu tiền" không kém, Đạm Phú Mỹ còn 1.784 tỷ đồng các khoản tương đương tiền, giảm 730 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Ngoài ra công ty còn có khoản tiền gửi có kỳ hạn 1.935 tỷ đồng, tăng 960 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm.
Hàng tồn kho
Lượng hàng tồn kho của Phân bón Bình Điền đến cuối năm còn 1.180 tỷ đồng, giảm 167 tỷ đồng so với đầu năm. Hàng tồn kho của Đạm cà Mau cũng giảm gần 460 tỷ đồng so với đầu năm, còn 842 tỷ đồng. Còn hàng tồn kho của Đạm Phú Mỹ tăng 167 tỷ đồng, lên 1.314 tỷ đồng đến cuối năm.
Dự báo năm 2021
Năm 2021, với dự báo tình hình thời tiết thuận lợi và giá các loại nông sản ở mức cao sẽ là điều kiện tốt để người nông dân tăng cường chăm bón cho cây trồng, nâng cao năng suất, từ đó gia tăng nhu cầu sử dụng phân bón.
Thông tin từ AgroMonitor dự báo, tổng nhu cầu tiêu thụ phân bón của cả nước trong năm 2021 sẽ đạt khoảng 10,3 triệu tấn, tăng 5,5% so với năm 2020. Trong đó, tiêu thụ hầu hết các loại phân bón đều tăng đáng kể, đặc biệt là phân DAP ( 12%), phân lân ( 8,7%) và phân NPK ( 4,6% ). Tiêu thụ phân Urê dự báo ổn định ( 0,5%), phân Kali ( 2,4%) và phân bón khác ( 10,3% ).
Theo Thạch Lâm
"https://doanhnghieptiepthi.vn/buc-tranh-nganh-phan-bon-nam-2020-bat-ngo-voi-nhieu-doanh-nghiep-lai-lon-161212202214315729.htm"
Link nội dung: https://doanhnghiepvaphapluat.vn/buc-tranh-nganh-phan-bon-nam-2020-bat-ngo-voi-nhieu-doanh-nghiep-lai-lon-a10809.html