Tận dụng tối đa lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã tham gia ký kết

Xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2021 có những cơ sở để tin tưởng vào một kết quả tích cực khi các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như CPTPP và EVFTA đã trải qua giai đoạn thực thi ban đầu, với ưu đãi về thuế quan và các điều kiện tiếp cận thị trường.

Ảnh minh hoạ

 

Trong cuộc trao đổi với các cơ quan báo chí mới đây, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, bước sang năm 2021, dịch bệnh Covid-19 vẫn chưa có dấu hiệu sẽ được khắc phục hoàn toàn trong ngắn hạn.

Các hoạt động kinh tế sẽ tiếp tục được thực hiện trong trạng thái “bình thường mới”. Tuy nhiên, sang năm 2021, xuất khẩu của Việt Nam có những cơ sở để tin tưởng vào một kết quả tích cực khi các FTA thế hệ mới như CPTPP và EVFTA đã trải qua giai đoạn thực thi ban đầu, với ưu đãi về thuế quan và các điều kiện tiếp cận thị trường mở ra cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng mà Việt Nam có lợi thế sang thị trường các nước thành viên. Đặc biệt, nếu tình hình dịch bệnh ở châu Âu khả quan hơn nhờ hiệu quả của việc sử dụng vắc xin trong tiêm chủng phổ thông thì cơ hội này càng trở nên rõ rệt.

Năm nay, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng tối đa lợi thế từ các FTA mà Việt Nam đã tham gia ký kết; đa dạng hóa thị trường, đặc biệt là các thị trường nhỏ và thị trường ngách; đa dạng hoá cơ cấu sản phẩm xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm, phát triển thương hiệu... cho sản phẩm xuất khẩu.

Theo số liệu Tổng cục Hải quan công bố, trong cơ cấu xuất nhập khẩu 15 ngày đầu tháng 2, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả nước đạt 9,94 tỷ USD, tăng nhẹ gần 2,5% so với cùng kỳ 2020. Chỉ trong nửa đầu tháng 2, cả nước tới 4 nhóm hàng xuất khẩu đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên gồm: điện thoại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện thoại và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; dệt may.

Lũy kế từ đầu năm đến 15/2, tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 38,46 tỷ USD, tăng mạnh gần 36,9% so với cùng kỳ 2020, tương đương con số tăng thêm hơn 10 tỷ USD.

Trái với tăng trưởng của xuất khẩu, nửa đầu tháng 2, kim ngạch nhập khẩu giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, từ từ đầu năm đến 15/2, nhập khẩu cả nước đạt 9,24 tỷ USD, giảm khoảng 500 triệu USD.

Tuy nhiên, tính từ đầu năm đến 15/2, tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước vẫn tăng mạnh khi đạt 35,7 tỷ USD, tăng hơn 7 tỷ USD so với cùng kỳ 2020, tương đương gần 25,3%.

Như vậy, so với cùng kỳ 1 năm trước, cả xuất khẩu, nhập khẩu của Việt Nam đều có sự khởi đầu ấn tượng.

Tính chung từ đầu năm đến 15/2, quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt hơn 74 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất siêu 2,76 tỷ USD.

Theo Hà Trần

"https://thuonghieucongluan.com.vn/tan-dung-toi-da-loi-the-tu-cac-fta-ma-viet-nam-da-tham-gia-ky-ket-a127712.html"

Link nội dung: https://doanhnghiepvaphapluat.vn/tan-dung-toi-da-loi-the-tu-cac-hiep-dinh-thuong-mai-tu-do-ma-viet-nam-da-tham-gia-ky-ket-a10804.html