Xác định chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là chương trình phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh để sản xuất các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp truyền thống, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế nông thôn nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân và thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong xây dựng nông thôn mới, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.
Ngay từ khi bắt đầu triển khai thực hiện “Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2018 – 2020”, huyện Nga Sơn đã thành lập Ban điều hành Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 – 2020; thành lập Hội đồng đánh giá, xếp hạng Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) huyện giai đoạn 2018 – 2020; Khi có sự thay đổi về cán bộ, hàng năm UBND huyện tổ chức kiện toàn Ban Điều hành, Hội đồng đánh giá, xếp hạng cho phù hợp.
Huyện Nga Sơn đã ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) giai đoạn 2018 – 2020, định hướng đến năm 2030; ban hành kế hoạch triển khai Chương trình OCOP cho từng năm để thực hiện. Để thực hiện được Kế hoạch đề ra, huyện Nga Sơn đã thực hiện tốt công tác chỉ đạo, điều hành, công tác tuyên truyền, tập huấn triển khai chương trình OCOP; Phân công nhiệm vụ cụ thể cho các phòng ban, ngành, cán bộ phụ trách thực hiện chương trình. Trong đó lấy Phòng Nông nghiệp&PTNT huyện là phòng chủ trì tham mưu cho huyện thực hiện Chương trình.
Bên cạnh công tác tuyên truyền, triển khai, huyện Nga Sơn quan tâm đến công tác học tập kinh nghiệm trong và ngoài tỉnh để thực hiện Chương trình OCOP. Tổ chức lựa chọn ý tưởng sản phẩm tham gia Chương trình OCOP trên cơ sở phát huy thế mạnh các nhóm hàng hóa như: Thực phẩm rau quả an toàn, các mặt hàng tiểu thủ công nghiệp sản xuất từ nguyên liệu cói, bèo tây, các sản phẩm ẩm thực như gỏi nhệch, dê núi, rượu nếp Nga Điền... Cùng với đó trong lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế huyện luôn quan tâm, tạo điều kiện và ban hành nhiều cơ chế hỗ trợ khuyến khích cho phát triển kinh tế, cụ thể là đầu tư cho sản xuất nông nghiệp, phát triển tiểu thủ công nghiệp,..Từ đó, các chủ thể có điều kiện thực hiện ý tưởng tham gia chương trình OCOP được tốt hơn như: hỗ trợ xây dựng nhà kính, nhà lưới 70 triệu đồng/mô hình (quy mô 1000m2); hỗ trợ mua máy dệt chiếu, máy se lõi phát triển tiểu thủ công nghiệp từ sản phẩm cây cói của huyện; lồng ghép với các nguồn vốn hỗ trợ, huyện đã hỗ trợ thêm cho các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP về nhãn mác, bao bì sản phẩm, hỗ trợ xúc tiến thương mại, xây dựng câu chuyện sản phẩm…Các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, huyện đã chỉ đạo tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân biết và mua sản phẩm. Giới thiệu sản phẩm ra các đơn vị trong và ngoài tỉnh. Hỗ trợ xây dựng điểm giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP…
Sau 3 năm triển khai, chương trình mỗi xã một sản phẩm đến nay huyện Nga Sơn đã có 09 sản phẩm đạt OCOP ( trong đó có 04 sản phẩm đạt 4 sao, 05 sản phẩm đạt 3 sao). Cụ thể như sau: Sản phẩm Bộ rổ cói 03 chiếc và Bình hoa bằng cói của Công ty CP sản xuất và chế biến cói xuất khẩu Việt Anh, địa chỉ: Xóm 8, Nga An, Nga Sơn, được UBND tỉnh Thanh Hóa xếp hạng 04 sao; Sản phẩm Dưa lưới Vạn Hoa, Dưa vàng Vạn Hoa của Công ty Cổ phần Nông nghiệp Vạn Hoa có địa chỉ: Xóm 9, Nga Thủy, Nga Sơn, được UBND tỉnh Thanh Hóa xếp hạng 04 sao; Sản phẩm Chiếu dệt thủ công Ngân Khương, thảm cói trải sàn Ngân Khương của Công ty TNHH Ngân Khương, địa chỉ: Xóm 5, Nga Thanh, Nga Sơn, được UBND tỉnh Thanh Hóa xếp hạng 03 sao; Sản phẩm Đông trùng hạ thảo tươi Đăng Khoa, Đông trùng hạ thảo khô Đăng Khoa, rượu Đông trùng hạ thảo Đăng Khoa của cơ sở sản xuất Đông trùng hạ thảo Đăng Khoa, địa chỉ: Tiểu khu Thắng Thịnh, thị trấn Nga Sơn được UBND tỉnh Thanh Hóa xếp hạng 03 sao.
Sau khi các sản đã được xếp hạng, UBND huyện chỉ đạo các phòng ban ngành thường xuyên quan tâm đến công tác giám sát việc sản xuất, quảng bá tiêu thụ sản phẩm, đánh giá kết quả hoạt động sản xuất - kinh doanh trước và sau khi được công nhận sản phẩm OCOP, để từ đó tuyên truyền cho nhân dân nắm được tầm quan trọng, mục đích, ý nghĩa, hiệu quả của việc tham gia Chương trình OCOP. Huyện còn đầu tư xây dựng được 01 trung tâm trưng bày bán các sản phẩm OCOP của tỉnh và của huyện đặt tại Thị trấn huyện Nga Sơn để quảng bá cho nhân dân biết đến và mua sử dụng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) huyện Nga Sơn nhận thấy việc triển khai thực hiện vẫn còn một số tồn tại, khó khăn như: Tư tưởng và nhận thức của người sản xuất chưa đầy đủ về chương trình OCOP, vẫn còn có tính ỷ lại và sản xuất hàng hóa chưa tập trung, chưa xác định được mục tiêu của sản phẩm. Các chủ thể chưa chú trọng đến việc xây dựng, thiết kế mẫu mã bao bì sản phẩm chất lượng và đẹp mắt để thu hút người tiêu dùng trong và ngoài huyện; Hoạt động sản xuất, chế biến sản phẩm nông sản của huyện rất hạn chế, chủ yếu sơ chế, chế biến đơn giản; nguồn nguyên liệu chưa ổn định, mang tính thời vụ. Một số chủ thể chưa muốn tham gia Chương trình nhưng việc phối hợp với các phòng ban chức năng để hoàn thiện hồ sơ còn hạn chế…Một số chủ thể sản xuất thiếu vốn đầu tư cho xây dựng cơ sở sản xuất, kinh phí in ấn bao bì, nhãn mác, quảng cáo, xúc tiến thương mại...Kinh phí đầu tư, hỗ trợ cho các chủ thể có sản phẩm từ huyện đến xã còn hạn chế….
Nhận thấy được những giá trị của Chương trình OCOP, để khắc phục những hạn chế nêu trên đồng thời nhằm thực hiện tốt hơn chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” trong thời gian tới, huyện đã đưa ra một số giải pháp chủ yếu như sau: Các cấp, các ngành cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền vận động người dân áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất; tăng cường truyền thông, quảng bá sản phẩm đặc sản của địa phương, tổ chức xúc tiến thương mại; hỗ trợ kinh phí từ ngân sách cho các chương trình kết nối với các địa phương khác để hình thành hệ thống cung ứng và phân phối hàng hóa; Đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu sản xuất hàng hóa theo hướng tập trung chuyên môn hóa vào các ngành có lợi thế của từng địa phương và từng ngành để xây dựng chiến lược phát triển. Nghiên cứu các thông tin về thị trường đầu ra, khả năng cạnh tranh, tránh tình trạng làm theo phong trào, tràn lan. Đồng thời, cần đầu tư nâng cao chất lượng dự báo thị trường, nhất là vấn đề dự báo dài hạn và hàng năm để giúp các doanh nghiệp định hướng kinh doanh; Cùng với đó, TW, tỉnh cần tổ chức mở các hội chợ đặc sản vùng miền ở quy mô địa phương, quốc gia, qua đó tạo thêm cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm; thiết lập và thúc đẩy hệ thống phân phối, từ đó đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm tại thị trường trong nước và xuất khẩu; UBND Tỉnh cần ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân trong việc gìn giữ và phát triển các sản phẩm mang tính truyền thống. Bên cạnh đó các huyện cũng cần quan tâm ban hành các cơ chế hỗ trợ để xây dựng các sản phẩm OCOP. Các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn làm tốt vai trò cầu nối, hỗ trợ tạo sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và người dân trong việc khai thác, phát huy các giá trị của sản phẩm đã được bảo hộ. Các địa phương cần tuân thủ đúng chu trình OCOP, tăng cường rà soát, khuyến khích và hướng dẫn người dân, các chủ thể kinh tế tham gia Chương trình, đảm bảo sảm phẩm OCOP có tính cộng đồng cao và chất lượng tốt; Cấp TW, Tỉnh tập trung quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng, hướng dẫn cán bộ quản lý cấp xã, cán bộ chuyên môn huyện hiểu rõ bản chất của Chương trình; Coi trọng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý Chương trình OCOP, đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã, các chủ hộ sản xuất sản phẩm thông qua việc đào tạo chuyên sâu về kiến thức quản trị kinh doanh, quản lý sản xuất; đẩy mạnh tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại để cọ sát, nâng cao, mở rộng tư duy, tầm nhìn, có chiến lược phát triển, kế hoạch dài hạn cho doanh nghiệp, hợp tác xã. Phân công rõ trách nhiệm cán bộ theo dõi, chỉ đạo chương trình, đặc biệt quan tâm chú ý đến chủ trương phát triển các làng nghề, ngành nghề nông thôn làm cơ sở để phát triển các sản phẩm OCOP; Tăng cường vai trò và sự tham gia của chính quyền cấp xã trong việc phát triển và đánh giá sản phẩm OCOP; đồng thời có kế hoạch và chính sách cụ thể hỗ trợ các sản phẩm chưa đạt chuẩn OCOP nhưng có tiềm năng để phát huy lợi thế về thổ nhưỡng, cảnh quan, văn hóa và tính cộng đồng của địa phương. Rà soát và nâng cao chất lượng công tác đánh giá và phân hạng sản phẩm OCOP đảm bảo minh bạch và chất lượng, không chạy theo thành tích.
Có thể thấy, Chương trình OCOP ở huyện Nga Sơn đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Góp phần thúc đẩy sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân ở nông thôn, thúc đẩy phong trào và kinh tế nông thôn phát triển./.