TP.HCM: Bố trí vốn, đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm

Ngày 4/1, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng đã đi khảo sát một số nơi đang là điểm nghẽn của TPHCM về tình trạng ngập úng, ô nhiễm môi trường, tắc nghẽn giao thông, quá tải y tế...

Trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025, Bộ KH-ĐT sẽ đồng hành TPHCM 
giải quyết một số dự án trọng điểm, quan trọng trong đó có nút giao An Phú. Ảnh: CAO THĂNG

 

Cùng tham gia khảo sát có Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan, Giám đốc Sở KH-ĐT Lê Thị Huỳnh Mai và lãnh đạo các sở ngành TPHCM. Cụ thể, đoàn đã khảo sát thực tế về tiến độ, lắng nghe những khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án đầu tư sử dụng vốn ngân sách trung ương, gồm: Dự án Xây dựng mới Bệnh viện Nhi đồng Thành phố với tổng vốn đầu tư hơn 4.476 tỷ đồng, đã được đưa vào sử dụng và đã cấp trên 3.967 tỷ đồng, dự kiến giải ngân thêm hơn 3.248 tỷ đồng; Dự án Đầu tư xây dựng cơ sở 2 của Bệnh viện Ung bướu với tổng vốn đầu tư hơn 5.845 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương cấp 4.400 tỷ đồng, hiện đã đưa vào sử dụng, dự kiến sẽ giải ngân tiếp trên 3.188 tỷ đồng.

Đồng thời, lãnh đạo TPHCM cho rằng, nhu cầu vốn ngân sách trung ương của 2 dự án trên trong giai đoạn 2021-2025 còn thiếu hơn 2.362 tỷ đồng, do đó, UBND TPHCM kiến nghị Bộ KH-ĐT xem xét, báo cáo Thủ tướng giao kế hoạch vốn đầu tư trung hạn cho 2 dự án này trong giai đoạn tới. Bộ KH-ĐT sẽ đồng hành TPHCM giải quyết một số dự án trọng điểm, quan trọng, tạo điểm nhấn và đột phá, hỗ trợ phát triển như Cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát, nút giao An Phú, chống ngập...

Bên cạnh đó, TPHCM còn cần một số dự án cấp thiết đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, tạo động lực đột phá phát triển kinh tế - xã hội nên TPHCM đã báo cáo Bộ KH-ĐT dự kiến nhu cầu vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 của TPHCM cho 2 dự án quan trọng, mang tính kết nối vùng trên địa bàn TP, với tổng mức đầu tư là 13.304 tỷ đồng (vốn ngân sách trung ương hỗ trợ 10.519 tỷ đồng).

Đó là dự xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên (kết nối tỉnh Long An qua sông Chợ Đệm và tỉnh Bình Dương, tỉnh Đồng Nai qua sông Sài Gòn) và Dự án Xây dựng nút giao thông An Phú (quận 2). 

Theo đó, cần tiếp tục triển khai đầu tư xây dựng 3 bệnh viện cửa ngõ của TP để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân TP và các tỉnh lân cận gồm: Dự án xây dựng bệnh viện đa khoa khu vực Củ Chi; Dự án xây dựng bệnh viện đa khoa khu vực Hóc Môn; Dự án xây dựng bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức với tổng mức đầu tư là 5.710 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách TP (không bao gồm chi phí đầu tư trang thiết bị).

UBND TPHCM cũng đang nghiên cứu triển khai 3 dự án đầu tư trang thiết bị phục vụ 3 bệnh viện trên với tổng mức đầu tư là 4.500 tỷ đồng (mỗi bệnh viện là 1.500 tỷ đồng). UBND TPHCM vừa có Công văn số 2991/UBND-TH kiến nghị Bộ KH-ĐT xem xét, báo cáo Thủ tướng chấp thuận bổ sung nhu cầu vốn ngân sách trung ương cho 3 dự án đầu tư trang thiết bị của 3 bệnh viện cửa ngõ nêu trên.

Trước tình hình vốn ngân sách TP rất khó khăn hiện nay, UBND TPHCM kiến nghị Bộ KH-ĐT sớm phối hợp với Bộ Y tế xem xét, bố trí vốn ngân sách trung ương để thực hiện đầu tư trang thiết bị cho 3 bệnh viện nêu trên trong kế hoạch vốn giai đoạn 2021-2025. Về hạ tầng giao thông, được biết, một số tuyến metro sẽ được đẩy nhanh tiến độ thẩm định và sớm trình Thủ tướng Chính phủ như tuyến số 3b, số 5…

Theo Thùy Linh

"https://thuonghieucongluan.com.vn/tphcm-bo-tri-von-day-nhanh-tien-do-cac-du-an-trong-diem-a123658.html"

Link nội dung: https://doanhnghiepvaphapluat.vn/tphcm-bo-tri-von-day-nhanh-tien-do-cac-du-an-trong-diem-a10437.html