Bộ Công Thương: Xây dựng cơ sở pháp lý để ngăn chặn và xử lý kinh doanh đa cấp

Thị trường bán hàng đa cấp trải qua nhiều biến động, nhiều doanh nghiệp bán hàng đa cấp lợi dụng một số đặc điểm của mô hình kinh doanh theo phương thức này để trục lợi bất chính, lừa đảo người tham gia. Do vậy, các văn bản pháp luật theo đó được điều chỉnh theo hướng ngày càng thắt chặt quản lý đối với loại hình kinh doanh này.

Trước yêu cầu từ thực tiễn, Luật Cạnh tranh đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2005. Theo đó, lần đầu tiên thuật ngữ “bán hàng đa cấp” được ghi nhận trong hệ thống pháp luật Việt Nam tại khoản 11 Điều 3 Luật Cạnh tranh, đồng thời Luật cũng đưa ra các hành vi bán hàng đa cấp bất chính nghiêm cấm các doanh nghiệp thực hiện.

Mặc dù là văn bản quy phạm pháp luật đầu tiên và cao nhất điều chỉnh đối với hoạt động bán hàng đa cấp nhưng Luật Cạnh tranh chưa đưa ra cơ chế quản lý đối với hoạt động này. Chính phủ đã ban hành Nghị định 110/2005/NĐ-CP về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp. Nghị định 110/2005/NĐ-CP chính thức thiết lập một cơ chế quản lý đối với hoạt động bán hàng đa cấp từ trung ương đến địa phương với sự tham gia của Bộ Công Thương Theo Nghị định 110, doanh nghiệp muốn tổ chức bán hàng đa cấp phải thực hiện đăng ký với Sở Công Thương để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp.

Ảnh minh họa

 

Tuy nhiên, sau gần 20 năm thực thi, các văn bản pháp luật quản lý hoạt động bán hàng đa cấp nêu trên đã bộc lộ nhiều bất cập, kẽ hở khiến các đối tượng lợi dụng để thực hiện các hành vi bán hàng đa cấp biến tướng, lừa đảo người dân. Trước thực trạng đó, Chính phủ đã ban hành các văn bản pháp luật mới thay thế cho hệ thống văn bản cũ để tăng cường hiệu quả quản lý hoạt động bán hàng đa cấp.

Ngoại trừ Luật Cạnh tranh, các Nghị định và Thông tư cũ điều chỉnh hoạt động bán hàng đa cấp đều được thay thế bởi các Nghị định, thông tư mới có cơ chế quản lý chặt chẽ hơn, chế tài xử lý nghiêm khắc hơn như: Nghị định 40/2018/NĐ-CP, các nghị định 141/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, Nghị định 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng lần lượt được thực thi nhằm xử lý các hành vi vi phạm pháp luật của người tham gia bán hàng đa cấp cũng như doanh nghiệp bán hàng đa cấp trong quá trình hoạt động, theo đó mức phạt tối đa là 200 triệu đồng đối với 1 hành vi vi phạm.

Song song với các nỗ lực thắt chặt quản lý thông qua công cụ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, nhiều biện pháp quản lý khác cũng được Bộ Công Thương thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, một số biện pháp như: kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm; thực hiện tuyên truyền, phổ biến pháp luật; giải quyết khiếu nại liên quan tới hoạt động bán hàng đa cấp; phối hợp với các cơ quan khác trong quản lý hoạt động bán hàng đa cấp.

Theo Hà Trần

"https://thuonghieucongluan.com.vn/bo-cong-thuong-xay-dung-co-so-phap-ly-de-ngan-chan-va-xu-ly-kinh-doanh-da-cap-a123642.html"

Link nội dung: https://doanhnghiepvaphapluat.vn/bo-cong-thuong-xay-dung-co-so-phap-ly-de-ngan-chan-va-xu-ly-kinh-doanh-da-cap-a10434.html