Lâm Đồng: Nông nghiệp, nông thôn khởi sắc

Những năm qua, hệ thống kết cấu hạ tầng nông nghiệp nông thôn tại tỉnh Lâm Đồng đã dần hoàn thiện theo hướng đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất nông nghiệp. Từ đó, giúp bộ mặt nông thôn Lâm Đồng ngày càng khởi sắc, đời sống của người dân ngày càng ấm no, nông nghiệp phát triển bền vững…

Đập hồ Tuyền Lâm, một công trình thủy lợi trọng điểm của tỉnh Lâm Đồng. (Ảnh: NGÔ TUẤN)

 

Theo thống kê, toàn tỉnh Lâm Đồng có 430 công trình thủy lợi bao gồm: 220 hồ chứa và liên hồ, 87 đập dâng, 92 đập tạm, 19 trạm bơm tưới.

Cùng với đó, có 12 kênh tiêu, 1.200 km kênh mương tưới các cấp thì đã kiên cố hóa được 885 km và chủ động nguồn nước tưới cho hơn 43.000 ha đất canh tác.

Hiện nay, tổng diện tích các loại cây trồng được tưới trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đạt 164.031 ha/258.317 ha cần tưới, đạt 63,5% diện tích gieo trồng cần tưới. Trong đó, có khoảng 60.000 ha gieo trồng được tưới từ công trình thủy lợi. Ngoài ra, diện tích tưới tiết kiệm 37.900 ha, đạt 13,63% diện tích canh tác và chưa đạt mục tiêu đến năm 2020 là 38.500 ha.

Qua phân loại, hiện trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có 33 hồ đập lớn, 60 hồ đập vừa, 197 hồ đập nhỏ. Trong tổng số 430 công trình hiện có 37 công trình hồ chứa nước bị hư hỏng, xuống cấp.

Bằng các nguồn vốn khác nhau, hiện đã và đang triển khai sửa chữa 13 công trình, còn lại 24 công trình vẫn chưa có nguồn kinh phí sửa chữa. Các hồ chứa, đập dâng nước tưới cho các vùng lúa, rau màu đều có hệ thống thủy lợi nội đồng được kiên cố hóa đến 80%; hệ thống sông suối, ao, hồ để cung cấp nguồn nước tưới phục vụ sản xuất, đặc biệt đã tiến hành đào được 1.800 ao, hồ nhỏ.

Giai đoạn 2016-2020, Lâm Đồng đã triển khai nhiều dự án hỗ trợ cho phát triển nông nghiệp, nông thôn của tỉnh như: Dự án Phát triển và sản xuất giống cà phê chất lượng cao tỉnh Lâm Đồng; 5 dự án nâng cấp cơ sở hạ tầng nông thôn vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VNSat)…

Theo đó, đã hỗ trợ đầu tư cho hạ tầng nông nghiệp của tỉnh nhiều công trình giao thông nông thôn quan trọng và nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật khác, giúp nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, cải thiện đời sống của người dân.

Đến nay, tổng nguồn lực huy động cho xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn 2016-2019 là 1.560.707 triệu đồng; trong đó, vốn ngân sách Trung ương 556.300 triệu đồng; vốn địa phương 1.004 triệu đồng.

Mạng lưới đường giao thông nông thôn cơ bản đáp ứng được nhu cầu sản xuất và đời sống của nhân dân; toàn tỉnh đã đầu tư được khoảng 1.900 km đường; trong đó, xây dựng mới 705 km; nâng cấp, sửa chữa 1.200 km; đầu tư làm mới và sửa chữa hơn 85/1.600m cầu lớn nhỏ.

Các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung được đầu tư xây dựng đúng mục tiêu của Chương trình Mục tiêu Quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn, góp phần to lớn vào công tác nâng cao chất lượng cuộc sống, sức khỏe cho người dân nông thôn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo Nguyễn Tùng

"https://thuonghieucongluan.com.vn/lam-dong-nong-nghiep-nong-thon-khoi-sac-a123564.html"

Link nội dung: https://doanhnghiepvaphapluat.vn/lam-dong-nong-nghiep-nong-thon-khoi-sac-a10426.html