TPHCM: Khai thác hiệu quả hệ sinh thái bờ sông Sài Gòn

Sở QH-KT TPHCM vừa báo cáo UBND TPHCM đề án phát triển kè bờ sông và kinh tế dịch vụ ven sông giai đoạn 2020-2045, cùng kế hoạch triển khai giai đoạn 2020-2025.

Một góc đô thị quận 2, TPHCM, bên sông Sài Gòn. Ảnh: HUY PHAN
Một góc đô thị Quận 2, TPHCM, bên sông Sài Gòn (Ảnh: HUY PHAN)

 

Theo Sở QH-KT đề án nhằm khai thác hiệu quả giá trị hệ sinh thái sông nước tự nhiên, tạo hành lang cảnh quan đô thị dọc bờ sông gắn với một hạ tầng xanh đa chức năng phát huy các loại hình kinh tế dịch vụ, bền vững sinh thái và mang đậm nét đặc trưng đô thị. Xây dựng, cải tạo, hoàn thiện không gian khu vực kè bờ sông, bảo tồn và phát huy giá trị môi trường tự nhiên, cảnh quan văn hóa. Đồng thời, từng bước xây dựng, kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng xanh gắn với không gian mở đa chức năng, tạo điều kiện phát triển kinh tế dịch vụ ven sông.

Bên cạnh đó, kết hợp các nguồn lực đa dạng vào quản lý đầu tư xây dựng kết nối hiệu quả cơ sở hạ tầng và khai thác không gian kiến trúc cảnh quan trên địa bàn TPHCM đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, nâng cao chất lượng không gian sống đô thị. Đầu tư phát triển hành lang dọc sông Sài Gòn, cùng hệ thống kênh rạch, ao, hồ, mương nước dọc sông, hình thành một hệ thống hạ tầng xanh đa chức năng, bao gồm chức năng về giao thông thủy, môi trường, văn hóa và kinh tế dịch vụ.

Đồng thời, hệ thống hạ tầng xanh có chức năng tích hợp giao thông và phát huy chức năng giao thông thủy, góp phần điều tiết nước, giảm ngập, cải thiện chất lượng môi trường sinh thái và thích ứng biến đổi khí hậu, hình thành chuỗi không gian cảnh quan đặc trưng về văn hóa lịch sử; Thúc đẩy phát triển kinh tế dịch vụ, du lịch, giải trí và kinh tế cộng đồng. Từng bước đẩy mạnh phát triển kinh tế dịch vụ, xây dựng hoàn thiện chuỗi không gian đô thị dọc bờ sông có đặc trưng, bản sắc đô thị sông nước, có sức hấp dẫn, thân thiện môi trường.

Nâng cao khả năng ứng phó ngập lụt, biến đổi khí hậu, chống sạt lở. Xây dựng hoàn thiện cơ chế, công cụ quản lý tích hợp, đồng bộ các ngành lĩnh vực, đáp ứng chủ trương quản lý phát triển hiện đại, hiệu quả, tạo nguồn vốn và thu hút đầu tư phát triển thành phố.

Từ 2020-2025 sẽ điều chỉnh quy hoạch, thiết kế đô thị và các công cụ quản lý phát triển khu vực hành lang sông Sài Gòn. Triển khai chương trình hành động thực hiện quy hoạch, bao gồm triển khai các đồ án, dự án cải tạo chỉnh trang hành lang sông Sài Gòn - bao gồm các khu vực ưu tiên như khu trung tâm thành phố gắn với các đề án, chương trình phát triển kinh tế dịch vụ. Giai đoạn từ 2025-2045: Triển khai các dự án về đầu tư, kết nối hoàn thiện cơ sở hạ tầng xanh tích hợp liên vùng, liên khu vực, phát huy các hoạt động du lịch và kinh tế dịch vụ giải trí theo kế hoạch.

Hoàn chỉnh các công cụ quản lý đồng bộ dọc theo lưu vực sông. Liên tục rà soát, nghiên cứu, cập nhật và hoàn thiện các pháp lý quản lý khu vực dọc bờ sông theo hướng đảm bảo lợi ích chung của thành phố và liên vùng. Khuyến khích sự tham gia của đa dạng các nguồn lực xã hội, phù hợp với chủ trương, định hướng phát triển liên vùng. Để đạt được mục tiêu theo lộ trình nêu trên, đề án đưa ra một số nhóm giải pháp như: nhóm giải pháp quy hoạch - kỹ thuật và nhóm giải pháp về cơ chế - chính sách.

Thông qua đó, giải pháp về cơ chế - chính sách cần quan tâm đến giải pháp tài chính, đầu tư, nguồn nhân lực và cơ chế thực hiện. Trong đó, nguyên tắc tài chính dựa vào nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng từ giá trị hình thành do đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng cơ chế tài chính nhằm thu hút vốn từ các nguồn lực xã hội.

Theo Thùy Linh

"https://thuonghieucongluan.com.vn/tphcm-khai-thac-hieu-qua-he-sinh-thai-bo-song-sai-gon-a121832.html"

Link nội dung: https://doanhnghiepvaphapluat.vn/tphcm-khai-thac-hieu-qua-he-sinh-thai-bo-song-sai-gon-a10242.html