Cụ thể, theo Điều 6 Luật an toàn thực phẩm (ATTP) quy định có 2 biện pháp xử lý trong lĩnh vực ATTP là xử lý vi phạm hành chính và xử lý hình sự nhưng thực tế gặp rất nhiều khó khăn, lúng túng trong việc xử lý hình sự.
Muốn xử lý đối với hành vi phạm tội quy định tại Khoản 2, Điều 317 Bộ Luật hình sự năm 2015, phải có hậu quả làm chết 1 người hoặc gây tổn hại sức khỏe cho 1 người với tỉ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên. Theo đó, mức phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 3 - 7 năm.
Tuy nhiên, việc xác định tỉ lệ thương tổn ngay khi sử dụng loại thực phẩm đó là chưa phù hợp với đặc thù của lĩnh vực ATTP. Bên cạnh đó, việc xác định hậu quả nghiêm trọng hầu như chỉ dựa vào việc có chết người, trong khi những chất cấm sử dụng trong chế biến thực phẩm không gây chết người ngay lập tức mà qua thời gian dài tích tụ trong cơ thể mới gây ra hậu quả.
Vì vậy, cơ quan chức năng chưa có cơ sở để xử lý hình sự và phải chuyển sang xử lý hành chính, mức phạt cao nhất là 500 triệu đồng chưa đủ sức răn đe.
Ngoài ra, do đặc thù hoạt động của chợ đầu mối, hoạt động phân phối sản phẩm chỉ diễn ra trong thời gian ngắn (ngay trong dêm). Trong khi theo quy định, để có cơ sở xử lý đối với các trường hợp nông sản thực phẩm tươi sống bị nhiễm khuẩn hoặc tồn dư hóa chất, chất cấm phải có kết quả phân tích định lượng tại phòng kiểm nghiệm được chỉ định và kết quả phân tích định lượng thường mất thời gian từ 2 đến 4 ngày.
Do đó, việc xử lý vi phạm về ATTP đối với các nông sản thực phẩm tươi sống bị nhiễm khuẩn hoặc có hóa chất, chất cấm tại chợ đầu mối chỉ có thể bằng hình thức phạt tiền còn việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả (tịch thu, tiêu hủy) thật sự có khó khăn.
Theo Nguyễn Tùng
"https://thuonghieucongluan.com.vn/kho-khan-trong-viec-xu-ly-hinh-su-o-linh-vuc-an-toan-thuc-pham-a121743.html"
Link nội dung: https://doanhnghiepvaphapluat.vn/kho-khan-trong-viec-xu-ly-hinh-su-o-linh-vuc-an-toan-thuc-pham-a10215.html