Tại Hội thảo, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra trên toàn thế giới với những đột phá về công nghệ, sẽ làm thay đổi căn bản phương thức sản xuất và kinh doanh, kéo theo hàng loạt những thay đổi về mô hình tổ chức, quản lý và dịch vụ, cơ cấu ngành nghề lao động.
Trong các chủ trương, văn bản của Đảng, Chính phủ đều nhấn mạnh đến vị trí, vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số trong thời đại mới. Bộ trưởng viện dẫn: Năm 2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tháng 6 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, trong đó giáo dục là một trong 8 lĩnh vực được ưu tiên triển khai.
“Thực hiện tốt chuyển đổi số ngành GD&ĐT sẽ góp phần triển khai thành công Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, đóng góp cho nền kinh tế số, xã hội số và hình thành quốc gia số. Đây là cơ hội để Việt Nam có thể đuổi kịp, thu hẹp khoảng cách với những nước phát triển trên thế giới”, Bộ trưởng cho biết.
Khẳng định ngành giáo dục rất quan tâm tạo ra những công dân Việt Nam có kiến thức, kỹ năng chuyển đổi số để trở thành những công dân toàn cầu, Bộ trưởng nhấn mạnh, Bộ GD&ĐT đã thống nhất rất cao với Bộ TT&TT và các bộ, ngành liên quan, cũng như các tập đoàn công nghệ.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, chúng ta cần tổ chức lại, làm bài bản để hiệu quả cao hơn. Trước hết, phải có nền tảng công nghệ quốc gia thống nhất để các tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực GD&ĐT, các giáo viên, học sinh… đều tham gia nền tảng thống nhất đó.
Trên cơ sở nền tảng thống nhất đó, ngành giáo dục có cơ sở dữ liệu. Vừa rồi, ngành giáo dục đã xây dựng được cơ sở dữ liệu mã số định danh tất cả cơ sở giáo dục, học sinh, sinh viên… Đây có thể coi là bước tiến, nhưng cơ sở dữ liệu này vẫn cần được xây dựng trên nền tảng công nghệ chung của quốc gia để hiệu quả tăng cao.
Việc xây dựng tài nguyên số, học thuật số cũng cần thực hiện trên nền tảng công nghệ thống nhất, qua đó công cuộc học tập nghiên cứu, giảng dạy và chia sẻ tri thức, đặc biệt là học tập từ xa, học tập suốt đời của người dân sẽ hiệu quả thiết thực, mang lại giá trị gia tăng lớn.
Với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, các phần mềm hiện đại đã tạo cơ hội cho mọi người hỗ trợ, chia sẻ thông tin rất tốt. Rất nhiều hoạt động giáo dục truyền thống sẽ dần dần được thay bởi phần mềm, thiết bị, mô phỏng rất nhanh, hiệu quả, kết nối không chỉ trong nước mà là toàn cầu.
“Bộ GD&ĐT xác định rất rõ tầm quan trọng của kho học liệu số này và việc mọi người cùng có trách nhiệm tham gia đóng góp, chia sẻ vào hệ tri thức số hóa”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.
Để thực hiện các nhiệm vụ nêu trên, ngành giáo dục ý thức rằng phải xây dựng một đội ngũ nhân lực để thực hiện chuyển đổi số trực tiếp và gián tiếp. Các trường ĐH rà soát, mở mã ngành chưa có trong truyền thống để phục vụ ứng dụng tiến bộ công nghệ thông tin, đào tạo ra các kỹ sư chuyên nghiệp trong lĩnh vực này. Về gián tiếp, phải thực hiện tốt các hoạt động liên quan đến chuyển đổi số để từng công dân được tiếp cận, làm quen và từng bước rèn luyện bài bản.
Tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, chuyển đổi số GD&ĐT, nhất là đại học và dạy nghề có lẽ là con đường đúng nhất, nhanh nhất để tạo ra sự đột phá cho ngành. Chuyển đổi số đại học là tập trung vào thay đổi mô hình đào tạo thông qua việc áp dụng công nghệ số. Giảng viên sẽ tập trung tạo giá trị tăng thêm trên các nền tảng số. Trong xã hội tương lai, việc học là nhu cầu cả đời người và đại học phải giải quyết nhu cầu này. Mỗi nhu cầu mới sẽ được giải quyết bởi một nền tảng số và nếu nhìn dưới góc nhìn này, đại học ngày càng giống một công ty công nghệ hơn là một đại học truyền thống.
Trong khuôn khổ Hội thảo, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT và Bộ trưởng Bộ TT&TT đã ký kết hợp tác triển khai chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo; ký kết hợp tác giữa Bộ GD&ĐT với một số tập đoàn, doanh nghiệp và với Ban Điều hành Đề án Hệ tri thức Việt số hóa…