Giá cả hàng hóa cuối năm sẽ không có biến động bất thường

Với sự chỉ đạo sát sao của các bộ, ngành, địa phương, sự chuẩn bị về nguồn hàng sớm và chủ động của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh nên cung cầu, giá cả hàng hóa cuối năm sẽ không có biến động bất thường, thị trường tương đối bình ổn.

Thị trường hàng hóa thế giới trong tháng 11 tiếp tục có nhiều biến động và chịu ảnh hưởng của các nhân tố kinh tế, chính trị. Dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia (các ca nhiễm tăng mạnh tại Hoa Kỳ, các nước Châu Âu…) có tác động tiêu cực đến cung cầu, giá cả của nhiều hàng hóa trên thế giới.

Trong nước, trong đầu tháng 11, mưa lũ tiếp tục ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống của người dân tại một số tỉnh miền Trung, tuy nhiên, do được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các bộ, ngành, địa phương, sự hỗ trợ của người dân, doanh nghiệp trên cả nước nên nguồn cung các mặt hàng thiết yếu vẫn được bảo đảm. Hiện đang vào dịp cuối năm, thị trường hàng hóa bắt đầu sôi động, nhiều chương trình kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại do Bộ Công Thương chủ trì/phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức có liên quan được triển khai trên cả nước, kích thích nhu cầu mua sắm của người dân.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

 

Trong tháng 11, hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và Chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị hỗ trợ kết nối tiêu thụ các sản phẩm thực phẩm an toàn ngành Công Thương (ngày 6/11/2020) và Chương trình hỗ trợ kết nối tiêu thụ các sản phẩm thực phẩm an toàn ngành Công Thương năm 2020 trong các ngày 7-8/11/2020 tại Hà Nội; phối hợp với UBND thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị giao thương kết nối cung cầu hàng hóa giữa thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố” ngày 25/11/2020 và chuỗi sự kiện “Hội chợ Đặc sản Vùng miền Việt Nam” năm 2020 thu hút sự tham gia của hơn 400 doanh nghiệp sản xuất của gần 60 tỉnh, thành phố trong cả nước và hơn 100 đơn vị phân phối trong và ngoài nước; phối hợp với UBND tỉnh Vĩnh Long, UBND tỉnh Yên Bái tổ chức các Hội nghị kết nối cung cầu hàng Việt Nam với quy mô cấp vùng, miền…

Thị trường các mặt hàng thiết yếu không có biến động lớn, một số mặt hàng như lương thực, đường, vật liệu xây dựng tăng nhẹ do nhu cầu tăng; một số mặt hàng như thực phẩm (thịt lợn), phân bón giá giảm nhẹ do nguồn cung tăng; các mặt hàng nhóm năng lượng giá có xu hướng tăng nhẹ do ảnh hưởng của giá thế giới trước các tác động của các yếu tố chính trị, xã hội.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11 ước tính đạt 464,4 nghìn tỷ đồng, tăng 2,3% so với tháng trước và tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 365,7 nghìn tỷ đồng, tăng 2,3% và tăng 13,2%, chủ yếu do các cơ sở kinh doanh trong tháng đưa ra nhiều chương trình khuyến mại đã thu hút người tiêu dùng tới mua sắm; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 47,4 nghìn tỷ đồng, tăng 3,3% và giảm 6,5%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 1,3 nghìn tỷ đồng, tăng 3,5% và giảm 68,3%; doanh thu dịch vụ khác đạt 50 nghìn tỷ đồng, tăng 1,7% và giảm 0,7%.

Tính chung 11 tháng năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 4.590,7 nghìn tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá giảm 2% (cùng kỳ năm 2019 tăng 9,1%).

Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa 11 tháng đạt 3.630,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 79,1% tổng mức và tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 11 tháng năm nay ước tính đạt 461,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 10% tổng mức và giảm 13,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 tăng 9,6%). Doanh thu du lịch lữ hành 11 tháng ước tính đạt 16,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,4% tổng mức và giảm 58,6% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 tăng 9,9%). Doanh thu dịch vụ khác 11 tháng ước tính đạt 482,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 10,5% tổng mức và giảm 4,8% so với cùng kỳ năm 2019. (Phụ lục 7).

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, CPI tháng 11 giảm 0,01% so với tháng 10, do các nhóm giảm giá như giao thông (do giá xăng dầu giảm), bưu chính viễn thông (giá cước viễn thông khuyến mại), văn hóa giải trí du lịch (do nhu cầu du lịch giảm và có nhiều chương trình khuyến mại) với mức giảm của các nhóm từ 0,06-0,47%. Các nhóm tăng gồm: nhóm tăng cao nhất là nhóm may mặc, mũ nón, giày dép (tăng 0,14%) do thời tiết chuyển mùa, nhu cầu mua sắm giầy dép quần áo của người dân tăng; nhóm nhà ở vật liệu xây dựng (tăng 0,07%) do tăng giá chủ yếu ở mặt hàng gas và thép tăng theo giá thế giới; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống (tăng 0,05%) do mưa bão tại các tỉnh miền Trung khiến giá thực phẩm tăng cục bộ; các nhóm hàng hóa khác tăng từ 0,01-0,12%.

CPI bình quân 11 tháng tăng 3,51% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó các nhóm có mức tăng cao và đóng góp chính vào CPI chung là hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 10,68% (chủ yếu do giá thịt lợn tăng cao trong thời gian dài vừa qua); nhóm thuốc và dịch vụ y tế, giáo dục (tăng lần lượt 2,3% và 4,11%) do các địa phương điều chỉnh tăng các phí này theo lộ trình; nhóm hàng hóa dịch vụ khác tăng 2,96% (do một số loại hàng hóa dịch vụ tăng trong các giai đoạn dịch bệnh Covid-19 bùng phát); các nhóm giảm và làm hạn chế mức tăng chung gồm giao thông giảm 11,16% (do giá xăng dầu giảm mạnh và ở mức thấp so với mặt bằng giá năm trước); văn hóa giải trí du lịch giảm 1,12% (do nhu cầu du lịch dịch vụ giảm trong các giai đoạn dịch bệnh); nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,58% (do các chương trình khuyến mại giảm giá cước). Như vậy, CPI bình quân đang tiếp tục trong xu hướng giảm và nằm trong giới hạn kiểm soát lạm phát do Quốc hội giao.

Thời gian qua, công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường trong nước đã được thực hiện quyết liệt nhằm ngăn chặn tình trạng hàng lậu, hàng giả, hàng gian lận thương mại, kém chất lượng, không đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, góp phần bình ổn thị trường và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp làm ăn chân chính và người tiêu dùng. Lũy kế từ ngày 01/11/2020 đến ngày 25/11/2020, lực lượng Quản lý thị trường phát hiện, xử lý gần 8.976 vụ vi phạm; thu nộp ngân sách nhà nước gần 13 tỷ đồng. Lũy kế từ ngày 01/01/2020 đến ngày 25/11/2020, lực lượng Quản lý thị trường phát hiện, xử lý gần 83.051 vụ vi phạm; thu nộp ngân sách nhà nước hơn 241 tỷ đồng.

Giai đoạn cuối năm, Tết Dương lịch, thị trường hàng hóa sẽ sôi động hơn, niềm tin của người dân vào sự phục hồi kinh tế tăng; nhu cầu hàng hóa chuẩn bị Tết, nhu cầu dịch vụ ăn uống phục vụ liên hoan, cưới hỏi tăng; các yếu tố tác động về giá cả từ thị trường hàng hóa thế giới đang trong xu thế phục hồi. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo sát sao của các bộ, ngành, địa phương, sự chuẩn bị về nguồn hàng sớm và chủ động của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh nên cung cầu, giá cả hàng hóa sẽ không có biến động bất thường, thị trường tương đối bình ổn.

Theo Minh Anh

"https://thuonghieucongluan.com.vn/gia-ca-hang-hoa-cuoi-nam-se-khong-co-bien-dong-bat-thuong-a120782.html"

Link nội dung: https://doanhnghiepvaphapluat.vn/gia-ca-hang-hoa-cuoi-nam-se-khong-co-bien-dong-bat-thuong-a10073.html