Theo thống kê của Trung tâm Năng lượng (Sở Công thương), hiện toàn tỉnh có 100% số xã đạt tiêu chí số 4 về điện theo chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trong giai đoạn 2016 - 2020, tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm bình quân trên địa bàn đạt 19%/năm, trong đó, điện công nghiệp và xây dựng tăng 25%/năm, điện phục vụ quản lý và tiêu dùng dân cư tăng 10%/năm. Riêng 3 năm gần đây, lượng điện năng tiết kiệm được toàn tỉnh đạt khoảng 82.000 kWh; giảm khí phát thải môi trường 66 tấn CO2. Nhiều mô hình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được áp dụng trong cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm, xăng sinh học được ứng dụng rộng rãi trên địa bàn.
Có kết quả này là nhờ thông qua việc triển khai thực hiện kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Trung tâm Năng lượng đã tham mưu Sở Công thương rà soát, đánh giá hoạt động, chấp hành các quy định đối với 47 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm trên địa bàn tỉnh; thực hiện 1 mô hình điểm sử dụng năng lượng mặt trời hiệu quả, tiết kiệm năng lượng bảo vệ môi trường tại trụ sở UBND xã Tân Lập, huyện Sông Lô. Đồng thời, phối hợp với đơn vị liên quan lập bản đồ các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm, khu, cụm công nghiệp, hệ thống lưới điện 500KV, 220KV, 110KV và các trạm biến áp trung gian trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc; tăng cường các hoạt động xúc tiến thu hút đầu tư lĩnh vực năng lượng…
Bên cạnh đó, xác định công tác tuyên truyền góp phần nâng cao nhận thức cho các tổ chức, cá nhân và nhân dân trong tỉnh về hoạt động và sử dụng điện, sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo, sử dụng tiết kiệm năng lượng hiệu quả, cùng với tổ chức các hoạt động hưởng ứng Giờ trái đất định kỳ hằng năm. Trong 5 năm qua, toàn tỉnh đã mở 22 lớp tập huấn, hội thảo tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về điện, về giá bán, sử dụng năng lượng điện tiết kiệm và hiệu quả với hơn 1.500 lượt người tham gia.
Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế như việc đầu tư thay thế dây chuyền thiết bị tiết kiệm năng lượng còn gặp nhiều khó khăn do chi phí đầu tư lớn, một số bộ phận, cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm chưa thực sự quan tâm đến việc tiết kiệm năng lượng…
Để bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia gắn với phát triển bền vững và bảo vệ môi trường, tỉnh Vĩnh Phúc đã đề ra nhiều mục tiêu, giải pháp tiết kiệm điện năng trong những năm tới. Cụ thể, giai đoạn 2020 - 2025, phấn đấu đạt mức tiết kiệm 5 - 7% mức tiêu thụ năng lượng so với dự báo nhu cầu sử dụng năng lượng, đến năm 2025, tổn thất điện năng còn dưới 2,5%, đạt mức tiết kiệm năng lượng bình quân từ 8 - 10% so với sản lượng điện thương phẩm và giảm tổn thất điện năng dưới 2,3% trong giai đoạn 2025 - 2030.
Đáng chú ý, từ nay đến năm 2025, tỉnh sẽ bảo đảm 100% doanh nghiệp vận tải trọng điểm có chương trình phổ biến kỹ năng điều khiển phương tiện/giải pháp kỹ thuật trong khai thác, sử dụng phương tiện giao thông cơ giới theo hướng tiết kiệm năng lượng; 100% cơ sở tiêu thụ năng lượng trọng điểm thực hiện kiểm toán năng lượng và áp dụng hệ thống quản lý năng lượng theo quy định; 70% khu công nghiệp và 50% cụm công nghiệp được tiếp cận, áp dụng các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; 50% trường học có hoạt động tuyên truyền về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.
Để thực hiện được mục tiêu trên, thời gian tới, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ thực hiện rà soát, xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Đồng thời, tập trung khuyến khích sử dụng năng lượng mặt trời trong các tòa nhà, khách sạn và các hộ gia đình, từng bước loại bỏ phương tiện vận tải không bảo đảm tuân thủ niên hạn sử dụng, mức hiệu suất năng lượng tối thiểu theo quy định hiện hành. Đầu tư cải tạo hệ thống hạ tầng kỹ thuật giao thông, chiếu sáng đô thị, ưu tiên phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng áp dụng công nghệ cao, sử dụng năng lượng mới trong hoạt động quản lý, điều hành hệ thống giao thông vận tải. Tăng cường áp dụng công nghệ hiện đại nhằm nâng cao chất lượng lưới điện phân phối, phát triển lưới điện thông minh, giảm tổn thất điện năng.
Trước mắt, bên cạnh các nguồn vốn cấp từ ngân sách tỉnh, vốn tài trợ từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, vốn của các doanh nghiệp tham gia thực hiện kế hoạch, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tập trung huy động các nguồn vốn xã hội hóa từ các tổ chức, cá nhân và nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
Đặc biệt, sẽ sử dụng hiệu quả nguồn vốn ngân sách tỉnh vào tuyên truyền sử dụng hiệu quả năng lượng, bảo vệ môi trường; phổ biến công nghệ trang thiết bị, sản phẩm hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng, thúc đẩy bảo tồn năng lượng trong các hoạt động công nghiệp và xanh hóa nguồn sản xuất điện năng; sử dụng năng lượng tái tạo trong chiếu sáng toà nhà, chiếu sáng công cộng; sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong lĩnh vực giao thông vận tải.
Ngoài ra, tỉnh sẽ mở rộng hợp tác quốc tế, đẩy mạnh trao đổi chính sách, chia sẻ kinh nghiệm, tổ chức đào tạo và hợp tác kỹ thuật với các nước, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tư nhân, nhà nước hợp tác quốc tế thực hiện chuyển giao công nghệ, phát triển nguồn nhân lực về tiết kiệm năng lượng; đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý gắn với tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cộng đồng xã hội về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Theo Hoan Nguyễn
"https://thuonghieucongluan.com.vn/vinh-phuc-dong-bo-cac-giai-phap-tiet-kiem-nang-luong-a120755.html"
Link nội dung: https://doanhnghiepvaphapluat.vn/vinh-phuc-dong-bo-cac-giai-phap-tiet-kiem-nang-luong-a10069.html