Cải thiện môi trường kinh doanh: Động lực phát triển doanh nghiệp Việt Nam

25/02/2021 15:23

Mới đây, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, soạn thảo nội dung Nghị quyết về phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, mục tiêu đến năm 2025 cả nước có 1,5 triệu doanh nghiệp. Muốn vậy, mỗi năm phải có thêm 100.000-150.000 doanh nghiệp mới.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến hết năm 2020, cả nước có khoảng 810.000 doanh nghiệp hoạt động. Tính chung giai đoạn 2016-2020, bình quân mỗi năm có thêm hơn 100.000 doanh nghiệp mới được thành lập, cao hơn hẳn tốc độ tăng số doanh nghiệp giai đoạn 2011-2015. Đó là nhờ những chính sách cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp.

Ảnh minh hoạ. (Ảnh: internet)

 

Các chuyên gia cho rằng, môi trường đầu tư kinh doanh liên tục được cải thiện là điều kiện thuận lợi kích thích doanh nghiệp hình thành, phát triển. Đặc biệt, việc Chính phủ luôn kiên trì đổi mới, sáng tạo, kiên quyết loại bỏ những rào cản đối với hoạt động của doanh nghiệp là yếu tố tích cực nhất. Con số 100.000-150.000 doanh nghiệp ra đời mỗi năm đã thực hiện được trong giai đoạn vừa qua, kể cả năm 2020 khi dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến các mặt kinh tế - xã hội. Vì vậy, vấn đề đặt ra vẫn là tạo lập môi trường để doanh nghiệp không chỉ ra đời mà còn phát triển. Đó là sự ổn định, minh bạch về chính sách và tiếp cận cơ hội; là hành lang pháp lý đủ mạnh để bảo vệ doanh nghiệp; là giảm mạnh chi phí không chính thức, làm khó doanh nghiệp trong kinh doanh…

Một yếu tố nữa cũng được đề cập là chính sách khuyến khích các hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp. Thực tế, việc quản lý hộ kinh doanh khá lỏng, trong khi quản lý doanh nghiệp quá chặt khiến nhiều hộ kinh doanh không muốn trở thành doanh nghiệp. Nếu loại bỏ những trở ngại này chắc chắn sẽ có nhiều doanh nghiệp ra đời hơn.

Để tạo dựng một môi trường kinh doanh thuận lợi cho phát triển sản xuất, kinh doanh, cần quyết liệt thực hiện các giải pháp giảm rào cản gia nhập thị trường, bảo vệ quyền tự do kinh doanh của người dân và doanh nghiệp. Đổi mới quy trình xây dựng luật theo hướng minh bạch và chuyên nghiệp. Bảo hộ quyền sở hữu tài sản, sở hữu trí tuệ, thúc đẩy công nghiệp sáng tạo. Thiết lập cơ chế giải quyết tranh chấp hợp đồng có hiệu quả...

Ngoài việc chú trọng phát triển thị trường trong nước theo chiều sâu, cải thiện môi trường kinh doanh và bảo đảm lao động, Bộ Công Thương khẩn trương nghiên cứu, triển khai các chính sách kích thích tiêu dùng trong nước; nâng cao tính kết nối giữa sản xuất với thị trường theo chuỗi cung ứng, xây dựng thương hiệu hàng hóa Việt Nam; đẩy mạnh phát triển hệ thống phân phối gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” để tạo đầu ra bền vững cho các doanh nghiệp sản xuất.

Theo Hà Trần

"https://thuonghieucongluan.com.vn/cai-thien-moi-truong-kinh-doanh-dong-luc-phat-trien-doanh-nghiep-viet-nam-a127898.html"