Sóc Sơn – Hà Nội: Doanh nghiệp xây dựng công trình không phép, chính quyền xã tạo điều kiện?

21/10/2020 20:53

Trên địa bàn xã Phú Minh, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội đang tồn tại nhiều công trình xây dựng sai phép, trái phép nhưng không bị kiểm tra, xử lý. Điều này đã gây bức xúc trong dư luận và đặt ra nghi vấn có hay không chính quyền địa phương bao che, tạo điều kiện cho sai phạm tồn tại.

Theo đó, tòa soạn nhận được phản ánh của người dân thôn Đoài, xã Phú Minh, huyện Sóc Sơn về việc hiện nay trên địa bàn có nhiều công trình xây dựng trái phép trên đất công và đất nông nghiệp. Điển hình cho tình trạng này là trường hợp vi phạm của Công ty TNHH Thương mại và vận tải Hà Sơn (Công ty Hà Sơn) khi xây dựng cây xăng Phú Minh với nhiều hạng mục công trình chưa được cấp phép.

Có mặt tại địa điểm nêu trên, PV nhận thấy những phản ánh của người dân là hoàn toàn chính xác. Qua ghi nhận thực tế, công trình xây dựng cửa hàng xăng dầu Phú Minh của Công ty Hà Sơn nằm gần cạnh trụ sở UBND xã Phú Minh. Công trình hiện đang được gấp rút thi công và đi vào hoàn thiện với các hạng mục: nhà điều hành, bán hàng và chỗ ở cho công nhân. Tất cả mọi hoạt động đều ngang nhiên diễn ra giữa thanh thiên bạch nhật nhưng không vấp phải sự phản kháng nào của chính quyền địa phương.

C:\Users\User\Downloads\ảnh 1.jpg

C:\Users\User\Downloads\ảnh 2.jpg
Công trình vi phạm ttxd của công ty Hà Sơn vẫn ngang nhiên thi công thách thức dư luận

 

Ông Nh. người dân sinh sống gần công trình cây xăng Phú Minh bức xúc cho biết, “công trình nhà to hàng trăm mét kia được xây dựng từ giữa tháng 7/2020, trong quá trình xây dựng cũng có một, hai đoàn cán bộ của xã xuống kiểm tra nhưng không bị đình chỉ mà vẫn ngang nhiên xây dựng. Đại diện nhân dân đã có kiến nghị lên xã, nhưng đến nay vẫn chưa có câu trả lời, trong khi người dân chúng tôi chỉ cần xây dựng không đúng thì ngay lập tức cán bộ xuống lập biên bản đình chỉ ngay. Không hiểu vì lý do gì mà Công ty Hà Sơn lại được đặc cách như vậy. Hay là họ có mối quan hệ lớn, chứ theo chúng tôi được biết đất đó chưa được các sở ban ngành phê duyệt làm dự án cây xăng, công ty chưa được nhà nước giao đất đầu tư...”

Trước những phản ánh, băn khoăn, thắc mắc của người dân, PV đã liên hệ làm việc với chính quyền xã Phú Minh. Tại buổi làm việc ông Thanh, chủ tịch UBND xã đã đưa ra một loạt các giấy tờ để chứng minh Công ty Hà Sơn đã được thành phố chấp nhận chủ trương di dời cây xăng. Tuy nhiên khi PV đề nghị được tiếp cận hồ sơ, giấy phép xây dựng của công trình vì vị này lại chưa xuất trình được.

Cũng tại buổi làm việc, ông Thanh thừa nhận “Công ty Hà Sơn xây dựng khi chưa đủ các thủ tục cần thiết là sai và chúng tôi đã lập biên bản vi phạm yêu cầu làm đúng các quy định của pháp luật”.

C:\Users\User\Downloads\ảnh 3.jpg

C:\Users\User\Downloads\ảnh 4.jpg
Biên bản được chính quyền xã Phú Minh lập nhưng quên đóng dấu, liệu có hiệu lực với doanh nghiệp?

 

Tuy nhiên khác xa với những gì ông chủ tịch khẳng định, biên bản lập thì cứ lập còn việc xây dựng vẫn cứ diễn ra công khai ngay giữa thanh thiên bạch nhật. Không hiểu vì sao mà cả hệ thống chính trị, từ Đảng ủy đến chính quyền xã Phú Minh lại để cho cái sai tồn tại? Hay vì lý do gì đó khuất tất, “khó nói” biết là sai phạm nhưng vẫn không xử lý, tạo điều kiện cho sai phạm đi vào hoàn thiện?

Tiếp tục làm rõ những sai phạm của cây xăng Phú Minh, PV đã có buổi làm việc với Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị huyện Sóc Sơn. Qua trao đổi, ông Thu, đội trưởng đội quản lý trật tự xây dựng đô thị cho hay, “công trình sai phạm trật tự ở cây xăng Phú Minh, chúng tôi đã lập biên bản báo cáo huyện rồi, còn về nhiệm vụ của đội chỉ phát hiện công trình sai phạm và báo cáo, chứ việc xử lý vi phạm lại thuộc thẩm quyền của chính quyền...”.

Một vị cán bộ khác của đội quản lý trật tự xây dựng đô thị cho biết thêm, “Năm trước sở tài nguyên cũng đã xử phạt hành chính đối với công ty Hà Sơn về vi phạm đất đai”.

Những năm gần đây Sóc Sơn luôn là địa bàn nóng về vi phạm xây dựng trên đất rừng phòng hộ và đất nông nghiệp khi hàng chục nghìn m2 đất rừng phòng hộ bị san ủi xây dựng biệt thự, khu nghỉ dưỡng sinh thái tại xã Minh Phú và Minh Trí. Giờ đây những sai phạm cũ chưa được xử lý xong thì tại xã Phú Minh lại xuất hiện những công trình kiên cố mọc trên đất nông nghiệp.

Trước đó, tại nhiều cuộc họp công bố kết luận về sai phạm tại rừng Sóc Sơn Thanh tra TP Hà Nội đã chỉ ra hàng nghìn trường hợp vi phạm đất rừng. Thanh tra TP Hà Nội kết luận, để xảy ra sai phạm trên thuộc trách nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND xã phụ trách quản lý đất đai, TTXD và cán bộ địa chính xã; Ban Quản lý rừng phòng hộ - đặc dụng Hà Nội; Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị huyện Sóc Sơn, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện. Bên cạnh đó còn có trách nhiệm của Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND huyện phụ trách lĩnh vực đất đai, trật tự xây dựng (giai đoạn từ 2008 đến nay).

Trước những sai phạm đang tồn tại trên địa bàn xã Phú Minh đề nghị các cơ quan chức năng huyện Sóc Sơn, Sở Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường Hà Nội vào cuộc kiểm tra, sớm có biện pháp xử lý công trình vi phạm nêu trên. Làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tập thể khi để xảy ra tình trạng xây dựng sai phép trên. 

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc!

Liên quan đến việc xẻ thịt đất rừng huyện Sóc Sơn, tháng 3/2019 Thanh tra thành phố Hà Nội đã thông báo kết luận thanh tra đất rừng tại 2 xã Minh Trí, Minh Phú (huyện Sóc Sơn) từ 2008 đến nay và việc thực hiện các kết luận thanh tra trước đó. Cụ thể đối với việc xử lý công trình vi phạm, UBND huyện Sóc Sơn không tổ chức xử lý 659 công trình vi phạm trật tự xây dựng trên đất lâm nghiệp theo Kết luận của Thanh tra Chính phủ và chỉ đạo của UBND thành phố. Do buông lỏng quản lý dẫn đến các công trình xây dựng mới trên đất rừng vẫn tiếp tục tăng, nhiều công trình xây dựng với quy mô lớn trong quy hoạch rừng phòng hộ. Đến năm 2017, UBND huyện Sóc Sơn mới kiểm tra, rà soát và xác định có 555 công trình vi phạm, nhưng không kiên quyết xử lý đến nay vẫn còn 485/555 công trình chưa xử lý. Đặc biệt, Thanh tra Hà Nội nhấn mạnh, việc xác định công trình vi phạm của UBND huyện Sóc Sơn năm 2017 không chính xác, thực tế số lượng công trình vi phạm lớn hơn rất nhiều. Cụ thể, chỉ tính riêng 2 xã Minh Phú và Minh Trí, khu vực ven 7 hồ lớn trong khu vực quy hoạch rừng đến thời điểm hiện nay đã có 797 công trình vi phạm.

Theo Nhóm PVLP