Thừa Thiên Huế: Hướng đến trở thành Trung tâm Khoa Học& Công nghệ lớn của cả nước

19/01/2021 22:14

Chiều ngày 18.1, Sở Khoa học& Công nghệ (KH&CN) tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức tổng kết hoạt động năm 2020 và đề ra phương hướng hoạt động năm 2021. Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các sở, ngành, cơ quan, đơn vị cùng hơn 100 doanh nghiệp lớn trên địa bàn.

Ông Phan Ngọc Thọ- Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phát biểu với hội nghị

 

Tiến sĩ Hồ Thắng Giám đốc sở KH&CN cho biết, năm 2020, ngành KH&CN thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao với các nhiệm vụ chuyên môn như tham mưu, lập kế hoạch KH&CN; quản lý tiêu chuẩn đo lường, chất lượng; quản lý công nghệ và thị trường công nghệ; công tác hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội. Trọng tâm là công tác quản lý chuyên ngành KH&CN đạt được nhiều kết quả quan trọng, xét tuyển tổ chức 11 nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh; triển khai 2 nhiệm vụ KHCN cấp quốc gia; đồng thời, tham mưu đề xuất Bộ KH&CN phê duyệt hơn 13 dự án thuộc Chương trình nông thôn miền núi, tài sản trí tuệ, phát triển kinh tế - xã hội.

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế thưởng cờ thi đua xuất sắc cho Sở KH&CN

 

Hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ có nhiều chuyển biến tích cực, chú trọng chuyển giao, ứng dụng các thành tựu KH&CN tiên tiến, phục vụ cho sự phát triển các sản phẩm chủ lực ở địa phương, xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường, hình thành mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị... Trong năm, hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo gặt hái được kết quả cao; trong đó tổ chức Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có 56 hồ sơ đăng ký (cao nhất qua các năm); trong đó có 31 dự án đã tạo ra được sản phẩm, với tính sáng tạo, thiết thực góp phần xây dựng tinh thần khởi nghiệp, tham gia phát triển kinh tế - xã hội. Tổng kinh phí toàn xã hội đầu tư cho KH&CN thông qua các nhiệm vụ KH&CN gần 66 tỷ đồng, đạt 0,54% chi ngân sách địa phương.

Quang cảnh hội nghị
Nhiều sản phẩm chất lượng cao được trưng bày tại hội nghị

 

Hội nghị đã thông qua 8 chương trình, hợp tác đưa ứng dụng KH&CN áp dụng vào thực tiễn; hỗ trợ các dự án thương mại hoá; thúc đẩy chuyển giao công nghệ; xây dựng quy chế “Giải thưởng chất lượng” trong DN… Đặc biệt, tập trung thực hiện đề án phát triển Viện Công nghệ Sinh học thực hiện theo QĐ của Thủ tướng Chính phủ; phối hợp với Viện Hàn Lâm và các đơn vị xây dựng Thừa Thiên Huế thành Trung tâm KH&CN lớn của cả nước.

Hiệu quả nhờ ứng dụng công nghệ vào sản xuất
Giống cây trồng mới từ KH&CN
Nhiều sản phẩm TCMN của Huế được phát triển mạnh khi áp dụng công nghệ vào sản xuất

 

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cho rằng, nhiệm vụ trọng tâm của ngành KH&CN những năm đến là phải quyết tâm đổi mới hoạt động, thích nghi ở trạng thái mới, cải cách thủ tục, chuyển đổi số hóa; kiện toàn hoàn chỉnh bộ máy quản lý, hợp tác chặt chẽ các ban ngành, đơn vị liên quan triển khai các hoạt động, nhiệm vụ như nghiên cứu, ứng dụng giải pháp, đề tài khoa học công nghệ mang đặc thù bản địa có ý nghĩa thiết thực đi vào cuộc sống. Hướng đến mục tiêu xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành trung tâm KH&CN của miền trung và cả nước, là ngành then chốt, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, gắn tinh thần Nghị quyết 54 của Chính phủ  đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trong những năm đến.

Theo Trần Minh Tích

"https://thuonghieucongluan.com.vn/thua-thien-hue-huong-den-tro-thanh-trung-tam-khoa-hoc-cong-nghe-lon-cua-ca-nuoc-a124841.html"