Thay đổi định kiến để nông sản Việt dễ dàng vào EU

09/07/2020 21:14

Định kiến về dư lượng thuốc trừ sâu đối với mặt hàng nông sản vào thị trường EU có thể sẽ được "tẩy xoá" nếu các doanh nghiệp xuất khẩu tiếp tục cải thiện và chủ động cập nhật những quy định mới, thích ứng rào cản kỹ thuật mới ở thị trường này.

Ông Lý Hoàng Hải, Tổng giám đốc Công ty Eurofins Sắc Ký Hải Đăng (thuộc Tập đoàn Eurofins Scientific) - đơn vị chuyên cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm đối với nông thuỷ sản nhập khẩu sang các thị trường EU, cho biết qua kết quả kiểm nghiệm của công ty đối với một số mẫu nông sản Việt (như gạo, hồ tiêu, thanh long, xoài, chuối…) vượt ngưỡng quy định thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) của EU trong nửa đầu năm 2020 thì có vẻ khả quan hơn so với năm ngoái.

Nhiều dấu hiệu khả quan

Theo số liệu thống kê từ số lượng mẫu kiểm nghiệm tại Eurofins đối với mẫu kiểm nghiệm nông sản Việt, đơn cử như mặt hàng hồ tiêu nếu như năm 2019 có tỷ lệ vượt ngưỡng quy định thuốc bảo vệ thực vật của EU là 32% thì 6 tháng đầu năm nay tỷ lệ này giảm xuống còn 18%. Hoặc như mặt hàng gạo năm ngoái có tỷ lệ 18% thì hiện tại đã giảm xuống còn 8%.

Cần tẩy xoá định kiến về dư lượng thuốc trừ sâu cho nông sản Việt vào EU dễ dàng hơn

 

Một số mẫu mặt hàng trái cây qua kiểm nghiệm khi xuất khẩu (XK) đi EU cũng ghi nhận có sự cải thiện đáng kể về tỷ lệ vượt ngưỡng. Như trái thanh long giảm từ 4% của năm 2019 xuống chỉ còn 1,5%. Trái xoài giảm tỷ lệ từ 2% xuống còn 1%. Trái chuối giảm tỷ lệ từ 4,5% xuống còn 1,5%.

Từ những số liệu này và so sánh với các năm trước đó, theo ông Hải, việc kiểm soát dư lượng thuốc BVTV trong nông sản Việt đang được kiểm soát và cải thiện từng năm. Tuy nhiên, ở một số mặt hàng thì tỷ lệ vượt ngưỡng vẫn còn cao và các doanh nghiệp (DN) XK nông sản cần lưu tâm hơn nữa.

“Đây mới chỉ là số mẫu kiểm nghiệm tại công ty chúng tôi và 80% số lượng mẫu mà chúng tôi kiểm nghiệm là do khách hàng gửi đến, chỉ có 20% là chúng tôi đi lấy mẫu từ các hoạt động giám định”, ông Hải nói.

Và đặc điểm là khi khách hàng gửi mẫu đến cho phía công ty để kiểm nghiệm thì thông thường họ sẽ chọn những mẫu tốt nhất, đẹp nhất. Thành ra, theo vị tổng giám đốc Công ty Eurofins Sắc Ký Hải Đăng, những con số đưa ra chỉ mang tính tham khảo.

Ông Hải cũng nêu rõ một thực trạng là với việc giảm hàng rào thuế quan từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) thì EU sẽ có xu hướng tăng rào cản kỹ thuật. Trong khi đó, nhiều DN Việt trong ngành hàng nông sản lại chậm cập nhật những quy định mới của EU.

Hơn nữa, một số hoá chất mà EU cấm sử dụng nhưng vẫn có thể tìm thấy trên thị trường Việt Nam. Chưa kể, các DN XK nông sản sẽ còn đối mặt một loạt rào cản từ những tiêu chuẩn, chứng nhận của các Hiệp hội người tiêu dùng, tổ chức phi chính phủ, nhà bán lẻ…

Còn mù mờ thông tin

Do đó, ông Hải kiến nghị nên nâng cao nhận thức của người nông dân về chất cấm trong sử dụng sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, cần xây dựng cơ sở dữ liệu để hỗ trợ DN XK nông sản cập nhật những thay đổi tiêu chuẩn kỹ thuật.

Hơn thế nữa, cần ban hành kịp thời những quy định, chính sách phù hợp với yêu cầu của EU, phản biện những quy định không hợp lý.

Nhất là cần tạo các đầu cầu kết nối các đơn vị liên quan trong chuỗi cung ứng, từ nông dân đến nhà sản xuất, đến nhà nhập khẩu và các đơn vị trung gian kỹ thuật nhằm nâng cao hiệu quả và tăng cường tính chính xác và nhanh chóng của thông tin để hỗ trợ cho DN XK nông sản.

Có thể thấy, vấn đề về dư lượng hoá chất vẫn là một “điểm nghẽn” đối với nông sản Việt XK trong nhiều năm qua. Như lưu ý của bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao, cho tới nay vẫn không dễ tẩy xóa định kiến về dư lượng thuốc trừ sâu đối với mặt hàng nông sản

Bà Hạnh cho rằng nông sản Việt bị định kiến của nhà mua hàng quốc tế về dư lượng thuốc BVTV, đến nay chỉ có chừng 5% là đạt tiêu chuẩn quốc tế. Chúng ta cần một chính sách thực sự khuyến khích nông dân làm tiêu chuẩn, đảm bảo an toàn và chất lượng.

Ngoài ra, theo bà Hạnh, có một số vấn đề về thị trường rất đáng quan tâm, đó là thiếu thông tin thị trường và khả năng xử lý thông tin này từ cơ quan quản lý nhà nước đến DN, nông dân đều yếu.

Chẳng hạn, một mảng thông tin thị trường cần cập nhật là các Hiệp định thương mại tự do mới. Cụ thể, gần đây nhất là EVFTA đi vào hiệu lực nhưng qua tìm hiểu thì số DN XK nông sản hiểu sâu về lợi thế của Việt Nam với thị trường này còn rất khiêm tốn.

Như ở góc độ DN, bà Nguyễn Thị Khuê, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Định Khuê (Tây Ninh) - chuyên XK tinh bột sắn sang thị trường Trung Quốc, cũng thừa nhận rằng dù rất quan tâm đến việc XK vào thị trường EU nhưng bản thân bà chưa thể nắm rõ các thông tin về chất lượng hàng hoá, những vấn đề về tiêu chuẩn kỹ thuật, quy định về truy xuất nguồn gốc xuất xứ…

Khi được hỏi là hiện phía DN có tìm hiểu thông tin về thị trường EU thông qua EVFTA hay không thì bà Khuê thú thật rằng từ trước đến nay bà cũng chưa có tìm hiểu và chưa biết gì nhiều. Và khi tham gia một số hội nghị về thực thi hiệu quả EVFTA thì bản thân bà cũng chỉ nắm thông tin ở một giới hạn nhất định.

Theo DNVN

"https://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/thay-doi-dinh-kien-de-nong-san-viet-de-dang-vao-eu/20200709014648488"

Bạn đang đọc bài viết "Thay đổi định kiến để nông sản Việt dễ dàng vào EU" tại chuyên mục KINH TẾ.