Hai kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2021-2025

21/01/2021 16:03

Ngày 20/1 tại Hà Nội, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) phối hợp với Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức hội thảo "Kinh tế Việt Nam trong trung hạn 2021-2025: Phục hồi và tăng tốc".

Hai kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2021-2025

 

Vẫn chưa có một bằng chứng chắc chắn cho thấy đại dịch đã kết thúc

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nhận định, kinh tế Việt Nam và toàn cầu trải qua nhiều biến động do đại dịch Covid-19 đã gây ra. Hầu hết các nền kinh tế trên thế giới đối mặt với tăng trưởng âm trong năm 2020. Cho đến nay, nhiều nước vẫn đang kiểm soát các biện pháp nghiêm ngặt với dịch bệnh.

"Có thể nói, đây là một suy thoái tồi tệ nhất kể từ cuộc đại suy thoái năm 2009. Trong khi hầu hết các nền kinh tế đang phải vật lộn để tồn tại và phục hồi thì vẫn chưa có một bằng chứng chắc chắn nào cho thấy đại dịch đã kết thúc", Thứ trưởng Phương khẳng định.

Tương tự như hầu hết các nền kinh tế trên thế giới, Việt Nam đã bị ảnh hưởng mạnh. Hầu hết các lĩnh vực đều bị ảnh hưởng và đang phải vật lộn để tồn tại. Hai đợt khảo sát diện rộng với trên 130.000 doanh nghiệp của Tổng cục thống kê vào tháng 4 và tháng 9/2020 đều cho thấy có trên 83% doanh nghiệp khẳng định bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Theo ông Phương, đại dịch Covid-19 đã mang đến những thách thức, nhưng đồng thời cả cơ hội cho Việt Nam trong giai đoạn 5 năm tiếp theo từ 2021-2025. Nhiều xu hướng mới xuất hiện, định hình lại các dòng tài chính quốc tế, thương mại và đầu tư, đặc biệt là chuyển dịch chuỗi cung ứng nhằm tạo ra nhiều thách thức và cơ hội phục hồi kinh tế trong dài hạn.

Việc tận dụng được những cơ hội mới để phục hồi kinh tế năm 2021 và bứt phá trong giai đoạn 2021-2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm thực hiện được các mục tiêu mà Đảng, Nhà nước đã đặt ra trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025.

Chế biến chế tạo và dịch vụ là những ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất

Cũng tại đây, TS. Đặng Đức Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, nền kinh tế Việt Nam đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ những cú sốc bên ngoài. Tốc độ tăng trưởng năm 2020 chỉ đạt 2,91%, thấp hơn nhiều so với con số 6,5-7% được dự báo trước đó. Đây cũng là tốc độ tăng trưởng thấp nhất trong 10 năm trở lại.

Tuy nhiên, nếu so sánh với các nước trên thế giới và khu vực thì sức chống chịu của Việt Nam vẫn tương đối tốt trong khi tăng trưởng được đánh giá ở mức cao.

Phân tích sâu hơn, TS đánh giá nền kinh tế sản xuất chịu tác động mạnh ở công nghiệp, dịch vụ, đặc biệt là ngành chế biến chế tạo do thị trường thế giới thu hẹp và các hoạt động kiểm soát dịch bệnh. Việc 2 động lực kinh tế bị ảnh hưởng lớn đã khiến cho doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.

Lĩnh vực đầu tư xuất hiện 2 bức tranh trái ngược nhau là sự suy giảm của đầu tư tư nhân do thiếu tàu và sức mua suy giảm. Trong khi đó, Việt Nam vẫn tiếp tục chứng minh khả năng thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Với sự quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 đạt mức cao nhất trong nhiều năm trở lại.

Bên cạnh đó, thặng dư thương mại vẫn ở mức cao, góp phần ổn định nền kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên điều này cũng thể hiện mặt trái của tăng trưởng, tức là kinh tế Việt Nam phụ thuộc khá nhiều vào bên ngoài.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, các doanh nghiệp có sức khỏe tương đối tốt (doanh thu tăng trưởng trên 20%) trước đây mức độ thiệt hại bằng 25% trong tổng số doanh nghiệp. Còn doanh nghiệp yếu (doanh thu giảm từ 20% trở lên) thì thiệt hại khoảng 4%.

Trong các doanh nghiệp thiệt hại nhiều và thiệt hại vừa, nhiều doanh nghiệp vốn có sức khỏe tài chính giảm sút trong giai đoạn trước và năm 2020 càng làm trầm trọng thêm quá trình này. Vì vậy, cần có các chính sách vừa hỗ trợ doanh nghiệp lại vừa không khuyến khích các doanh nghiệp đã yếu kém tiếp tục tồn tại. Từ đó sẽ tạo ra cơ chế sàng lọc tự nhiên, giúp doanh nghiệp khỏe tiếp tục hoạt động và các doanh nghiệp khác có thể phải rút lui khỏi thị trường.

Theo ông Đặng Đức Anh, Chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách kích thích kinh tế từ sớm nhưng vẫn còn hạn chế ở chỗ, nếu so với các nước khác thì quy mô gói kích thích của Việt Nam vẫn nhỏ hơn rất nhiều. Đặc biệt là hiện Việt Nam vẫn chưa có cơ chế tự động, chưa có sự lan tỏa mạnh mẽ.

Đơn cử như các chính sách chủ yếu là gia hạn thời gian nộp thuế, giảm phí với doanh nghiệp mà ít giảm thuế. Vì vậy, mặc dù gói tài khóa đưa ra lớn nhưng đến cuối năm các khoản gia hạn lại trở về ngân sách nên nguồn thu ngân sách năm nay gần như không giảm, thu nội địa vẫn đạt so với dự toán và chỉ giảm thu phần thu hải quan.

Hai kịch bản tăng trưởng kinh tế trong trung hạn 2021-2025

Liên quan đến dự báo về các kịch bản tăng trưởng kinh tế trong trung hạn 2021-2025, ông Đặng Đức Anh cho hay, trên cơ sở đánh giá các yếu tố ảnh hưởng và dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2021 với nhiều khả năng sẽ đạt mức cao trở lại.

Theo đó, có 2 kịch bản được đưa ra. Đối với kịch bản cơ sở, nếu trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế thế giới hồi phục và đại dịch Covid-19 dần được khống chế thì tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam có thể đạt khoảng 6,17% và CPI trung bình khoảng 3,8%. Các hoạt động sản xuất trong nước sẽ dần hồi phục, đầu tư khu vực Nhà nước tăng trưởng ở mức 7% và đóng góp của khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) dự kiến sẽ tiếp tục được duy trì. Chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục theo hướng linh hoạt, phù hợp và giúp ổn định kinh tế vĩ mô.

Tuy nhiên, ở góc nhìn khác vẫn có thể dự báo 1 kịch bản lạc quan hơn trong điều kiện kinh tế thế giới phục hồi nhanh hơn dự kiến. Lúc ấy, tăng trưởng GDP Việt Nam trong năm 2021 có thể đạt 6,72% và CPI trung bình khoảng 4,2%. Các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh sẽ trở lại quỹ đạo bình thường ngay trong năm nay.

Cuối cùng, ông Đức Anh kết luận, tận dụng được những lợi thế từ các hiệp định thương mại, luồng vốn đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước sẽ nhanh chóng khởi sắc trở lại. Tăng trưởng đầu tư khu vực Nhà nước có thể đạt 8% và các yếu tố khác sẽ duy trì, thậm chí tăng trưởng theo chiều hướng tích cực.

Theo Hoài Thương

"https://doanhnghieptiepthi.vn/hai-kich-ban-tang-truong-kinh-te-viet-nam-giai-doan-2021-2025-161212001163234700.htm"