Doanh nghiệp nói gì về đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp?

11/06/2020 16:11

Theo dự thảo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đề xuất giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

Ngày 11/6, các đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận về đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. Theo dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020, Chính phủ đề xuất giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp đối với trường hợp doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

Doanh nghiệp mong chờ những "liều thuốc cấp cứu khẩn cấp"

Nếu giảm thuế thu nhập doanh nghiệp 30%, với số thuế như năm ngoái, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu (CTCP XNK) Nông sản Thực phẩm Việt Nam dự kiến có thể tiết kiệm khoảng chục triệu đồng cho cả năm.

Các công ty than khó vì COVID-19


 Chính phủ đã quan tâm tới các doanh nghiệp nhỏ, nhưng số tiền thuế tiết kiệm được không "thấm" vào đâu so với thiệt hại mà doanh nghiệp phải chịu. Đặc biệt, khi gần 4 tháng qua, doanh nghiệp này không thể cung cấp thực phẩm cho các trường học vì học sinh nghỉ dịch.

"Năm nay đã nghỉ dịch mất gần 4 tháng, chúng tôi không có lợi nhuận, thì không nộp được thuế thu nhập doanh nghiệp. Do đó, dù Nhà nước có giảm thuế, chúng tôi cũng không được hưởng. Tôi mong nếu nhà nước có thể giãn các loại thuế như thuế Giá trị gia tăng, thuế doanh thu, từ 9 tháng đến 1 năm thì sẽ giúp cho doanh nghiệp bớt khó khăn. Bởi những loại thuế này lớn, doanh nghiệp buộc phải nộp. Nếu được giãn thì dòng tiền của doanh nghiệp sẽ lưu thông tốt hơn",Bà Trần Thị Thu Hằng, Tổng giám đốc CTCP XNK Nông sản Thực phẩm Việt Nam chia sẻ.

Theo dự thảo,những doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ có tổng doanh thu năm 2020 không quá 50 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân không quá 100 người, mới được giảm thuế.

Doanh nghiệp mong chờ những "liều thuốc cấp cứu khẩn cấp"

 

Với tiêu chí này, Tập đoàn chế biến thực phẩm Nam Hà Nội cho rằng mình ở gần mức "ranh giới" nhưng cũng sẽ không thuộc diện được xét. Doanh nghiệp gặp khó khăn do chi phí nguyên vật liệu tăng cao, nhiều dây chuyền máy móc phải tạm dừng hoạt động tới 70%. Doanh thu năm nay ước tính giảm 1 nửa, rơi vào khoảng 60 tỷ đồng. Nhưng công ty này lại không đáp ứng được tiêu chí xem xét giảm thuế.

"Có doanh thu chưa chắc đã có lợi nhuận vì giá thành đầu vào, chi phí cao, không có lợi nhuận, thì dù thuế thu nhập doanh nghiệp có giảm cũng không có ý nghĩa. Vậy nên nếu Chính phủ, Bộ Tài chính cân nhắc doanh thu trên 50 tỷ đồng vẫn được giảm thuế thì sẽ chia sẻ được nhiều cho doanh nghiệp hơn", ông Võ Việt Dũng , Chủ tịch CTCP Tập đoàn chế biến thực phẩm Nam Hà Nội phân tích.

Một số doanh nghiệp ví von, những hỗ trợ của chính phủ như "liều thuốc" cứu doanh nghiệp. Và việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp giống như thuốc hỗ trợ lâu dài, vì phải hết chu kỳ kinh doanh, có lợi nhuận, doanh nghiệp mới cần nộp thuế.

Thay vào đó, doanh nghiệp sẽ cần hơn những "máy trợ thở khẩn cấp", ngay lập tức. Do vậy, nhiều doanh nghiệp mong muốn được giãn thời gian nộp các loại thuế lên thành 12 tháng. Chậm nộp thuế sẽ giúp doanh nghiệp có nguồn tiền ngay lập tức để xoay sở phục hồi kinh doanh.

Nghị định 41 mới cho phép doanh nghiệp được giãn 1 số loại thuế như thuế giá trị gia tăng,
 thuế thu nhập cá nhân, hay tiền thuê đất trong vòng 5 tháng

 

Nhưng hiện nay, Nghị định 41 mới cho phép doanh nghiệp được giãn 1 số loại thuế như thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân, hay tiền thuê đất trong vòng 5 tháng. Ông Đỗ Quốc Thịnh - Trưởng phòng phát triển bền vững, Tập đoàn PAN cho rằng: "Thời gian này mà kéo dài thêm thì chắc chắn những doanh nghiệp nhỏ và vừa hoặc những doanh nghiệp mà lượng tiền mặt đang gặp vấn đề thì sẽ đỡ khó khăn hơn rất nhiều".

Cần sớm ban hành chính sách

Tuy nhiên, việc kéo dài thêm thời gian chậm nộp thuế sẽ ảnh hưởng tới thu ngân sách năm nay. Các chuyên gia cho rằng, để kịp thời cứu doanh nghiệp, Chính phủ có thể cân nhắc điều chỉnh một số chỉ tiêu ngân sách.

Việc kéo dài thêm thời gian chậm nộp thuế sẽ ảnh hưởng tới thu ngân sách năm nay

 

Ông Nguyễn Đình Cung - Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng kiến nghị: " Những chỉ tiêu về bội chi ngân sách, trần nợ công phải được điều chỉnh ngay. Rõ ràng sự thay đổi linh hoạt trong thời điểm này rất quan trọng vì chúng ta ở trong điều kiện bình thường mới. Do đó, rất cần sự đồng hành giữa Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan của Đảng để đồng nhất ra quyết định. Chúng ta không nên bàn bạc quá nhiều, 4-5 tháng mới trình, 3,4 tháng thảo luận là mất đi gần 1 năm mới ra quyết định. Quá trình quá chậm, trong lúc đó thì doanh nghiệp rất khó khăn"

Theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), 50% doanh nghiệp lo lắng chỉ trụ được nửa năm trước những khó khăn vì dịch bệnh. Vì thế, doanh nghiệp đang rất cần những liều thuốc hỗ trợ sớm, kịp thời để bật dậy sau dịch COVID-19.

Theo DNVN

"https://doanhnghiepvn.vn/doanh-nghiep/doanh-nghiep-noi-gi-ve-de-xuat-giam-thue-thu-nhap-doanh-nghiep/20200611063336389"