Gói 62.000 tỷ đồng: Đề xuất bổ sung các cơ sở giáo dục, kéo dài thời gian hỗ trợ

11/08/2020 21:02

Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), tính đến ngày 27/7, các địa phương đã phê duyệt danh sách gần 16 triệu người thuộc các nhóm đối tượng được thụ hưởng với tổng kinh phí là trên 17,5 ngàn tỷ đồng.

Theo số liệu do Kho bạc Nhà nước trung ương cung cấp, đã thực hiện giải ngân 11.920,865 tỷ đồng để thực hiện hỗ trợ cho 11.964.652 người và 12.784 hộ kinh doanh. Đến nay, về cơ bản đã hoàn thành việc chi trả hỗ trợ đối với nhóm đối tượng người có công với cách mạng, bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo.

Đối với việc hỗ trợ người lao động, hộ kinh doanh, nhìn chung các chính sách hỗ trợ đã bao phủ tới các đối tượng thụ hưởng (chính sách Bảo hiểm thất nghiệp, chính sách tạm hoãn đóng Bảo hiểm xã hội, chính sách tạm hoãn hợp đồng lao động, ngừng việc,...), về cơ bản đảm bảo đúng đối tượng, đúng mục đích, yêu cầu đề ra, đối tượng thuộc diện chính sách nào thì đã được tiếp cận, thụ hưởng đúng chính sách đó.

Tuy nhiên, so với dự kiến ban đầu số lượng đối tượng thụ hưởng của chính sách hỗ trợ người lao động còn ít. Nguyên nhân được Bộ LĐ-TB&XH chỉ ra là do quá trình thực hiện chính sách, các địa phương đã bám sát vào mục tiêu, nguyên tắc của Nghị quyết 42/NQ-CP là hỗ trợ cho các đối tượng bị giảm sâu thu nhập, mất việc, thiếu việc làm, gặp khó khăn, không đảm bảo mức sống tối thiểu, chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, tuy nhiên, so với dự kiến ban đầu số lượng đối tượng thụ hưởng của chính sách hỗ trợ người lao động còn ít.

Ngoài ra, do thời điểm các cơ quan chức năng nghiên cứu, xây dựng các chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, tình hình dịch Covid-19 đang diễn ra phức tạp, chưa được kiểm soát tại Việt Nam nên dự báo số đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh tương đối nhiều.

Tuy nhiên, trong diễn biến thực tế, Việt Nam đã sớm kiểm soát được dịch bệnh vào cuối tháng 5/2020, tạo điều kiện cho việc mở cửa lại nền kinh tế, hỗ trợ các DN quay trở lại phát triển sản xuất, kinh doanh. Do vậy, số lượng lao động mất việc làm, ngưng việc tiếp cận gói hỗ trợ này còn khá ít.

Một số DN không chứng minh được về việc không có doanh thu hoặc không có nguồn tài chính để trả lương vì trên thực tế mặc dù DN gặp khó khăn về đơn hàng hoặc nguyên vật liệu nhưng DN vẫn duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh với một bộ phận lao động rất ít so với số lao động của DN trước khi có dịch.

Đồng thời, quy định người sử dụng lao động đã trả trước tối thiểu 50% lương ngừng việc cho người lao động theo khoản 3 Điều 98 Bộ luật Lao động, dẫn đến DN phải sử dụng hai nguồn tài chính để trả lương cho người lao động và số tiền mà DN được vay không nhiều…

Theo Hoan Nguyễn

"https://thuonghieucongluan.com.vn/goi-62-000-ty-dong-de-xuat-bo-sung-cac-co-so-giao-duc-keo-dai-thoi-gian-ho-tro-a110200.html"